Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy bày tỏ ủng hộ chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội là hết sức cần thiết.
“Ủy ban Pháp luật đã đề xuất không quy định cụ thể tên gọi, số lượng các cơ quan của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội, với số lượng các ủy ban thay đổi, nhiệm vụ, quyền hạn cũng cần điều chỉnh phù hợp, đảm bảo hài hòa, cân đối với năng lực bộ máy” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Nhất trí sửa Luật Ban hành VBQPPL để rút ngắn được quy trình xây dựng chính sách, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, quy trình hiện đã khá chặt chẽ, được thực hiện trong thời gian dài, nhưng từ khi đề xuất chính sách đến khi ban hành còn khá dài, chưa đáp ứng yêu cầu có những chính sách hiệu quả, kịp thời trong điều kiện mới.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan trọng, khi cơ quan trình và thẩm tra không thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định những nội dung trình Quốc hội. Theo đại biểu, định hướng chương trình lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội là điểm mới trong Dự án Luật, nhưng cần quy định cụ thể hơn về việc triển khai lập định hướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có chỉ đạo, các ủy ban cần rà soát. Đồng thời, rà soát các mốc thời hạn thẩm tra, thời gian gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội, tính toán đảm bảo thời gian cho đại biểu nghiên cứu, góp ý.
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồng Thái
Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội là cần thiết. Về vấn đề cơ cấu tổ chức Quốc hội nên quy định trong luật hay Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu nghiêng về phương án cơ cấu cơ quan của Quốc hội nên quy định tại Nghị quyết, để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, cũng tương tự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Đại biểu cũng đồng tình, việc nâng cấp Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Giám sát và Dân nguyện của Quốc hội là cần thiết. Theo đại biểu, công tác giám sát cũng như xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri, Nhân dân sẽ được nâng tầm lên, đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay.
“Ngoài ra, việc tổ chức lại các ủy ban của Quốc hội, việc quy định chức năng, nhiệm vụ cũng như phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan cần có quy định cụ thể, rõ ràng” - đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ băn khoăn với việc chuyển Ban Dân nguyện thành Ủy ban Giám sát và Dân nguyện, liệu chức năng giám sát của Ủy ban Giám sát và Dân nguyện có chồng chéo với các ủy ban khác của Quốc hội, vì các ủy ban cũng có chức năng giám sát? Theo đại biểu, Ban Dân nguyện chuyển thành Ủy ban Dân nguyện là phù hợp.
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, việc chuyển Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát thể hiện Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giải quyết kiến nghị, ý kiến của người dân. Việc bổ sung thêm chức năng giám sát cho Ủy ban Dân nguyện đã được thảo luận rất kỹ lưỡng, đảm bảo không chồng chéo; các ủy ban và Hội đồng Dân tộc vẫn thực hiện chức năng giám sát.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thái
Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đề nghị nghiên cứu có nhất thiết phải để tên là Hội đồng Dân tộc, hay đổi tên thành Ủy ban Dân tộc cho đồng bộ trong các cơ quan của Quốc hội.
Hồng Thái - Thịnh An