Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến).
Cùng tham gia đoàn có các đồng chí: Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn công tác dành một phút tưởng niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao to lớn của các chiến sĩ cộng sản thế hệ đầu tiên đã xây dựng nên Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Cách đây 95 năm, vào ngày 10/7/1930, tại Nhà thờ họ Vương ở làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Thiệu Hóa (cũ) đã được tiến hành. Tại hội nghị, đồng chí Vương Xuân Cát được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng huyện Thiệu Hóa (cũ) và tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến).
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến).
Đến ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập (huyện Thọ Xuân cũ) đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất 3 Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh, gồm: Chi bộ Hàm Hạ (huyện Đông Sơn cũ), Chi bộ Thiệu Hóa cũ và Chi bộ Thọ Xuân cũ.
Với lòng thành kính, biết ơn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên và đoàn đại biểu đã dâng hương, dâng hoa, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao to lớn của các chiến sĩ cộng sản thế hệ đầu tiên đã xây dựng nên Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và đặt nền móng cho phong trào cách mạng xứ Thanh.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nguyện tiếp tục đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nói chuyện với cán bộ, Nhân dân xã Thiệu Tiến và đại diện dòng họ Vương, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa (cũ) đối với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, cũng như giá trị của di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương - nơi diễn ra sự kiện quan trọng này.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thiệu Tiến nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; tiếp tục quan tâm gìn giữ, sưu tầm, trưng bày, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích để giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ mai sau.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973 tại xã Thiệu Trung.
Đến dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967-1973) tại xã Thiệu Trung, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên cùng các thành viên trong đoàn thành kính tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí đảng viên tiền bối, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Phát huy truyền thống yêu nước và tấm gương kiên trung của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973.
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời điểm khó khăn nhất của cả nước chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trong giai đoạn 1967-1973, cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chuyển Trụ sở làm việc về làng Viên Nội, xã Thiệu Viên cũ (nay là xã Thiệu Trung).
Đoàn đại biểu tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973.
Trong suốt thời gian cơ quan Tỉnh ủy đóng và làm việc tại xã Thiệu Viên (cũ), Nhân dân địa phương đã quan tâm đặc biệt cả về vật chất và tinh thần; đồng thời, ra sức đề cao cảnh giác, phòng gian bảo mật, trực chiến canh phòng nghiêm ngặt, luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ quan lãnh đạo đầu não của tỉnh.
Thời kỳ này, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa từ đây chuyển về thị xã Thanh Hóa (nay là phường Hạc Thành).
Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc của Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa tại xã Thiệu Trung trong thời gian sơ tán chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, ngày 4/2/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Quốc Hương