BHG - Ngay sau phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9, sáng 5.5, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang dự phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9. Ảnh: CTV
Thảo luận tại tổ 6, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan nhất trí cao Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đại biểu khẳng định, Hiến pháp là nền tảng pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Theo đại biểu, thực tiễn yêu cầu hiện nay về việc kiện toàn nâng cao hoạt động tổ chức bộ máy Nhà nước và khuôn khổ Hiến pháp hiện hành còn một số bất cập cần sửa đổi để tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Đại biểu cho rằng, để đảm bảo sự ổn định của Hiến pháp cần giới hạn phạm vi sửa đổi theo như nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ tập trung vào những vấn đề cấp bách phục vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, không mở rộng ra những lĩnh vực khác.
Đại biểu ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp giới hạn để giải quyết dứt điểm bất cập về bộ máy và đây là giải pháp tạo cơ sở để thực hiện những chính sách tiếp theo được vận hành đồng bộ. Đại biểu kiến nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung cần đảm bảo công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của các tầng lớp Nhân dân và các chuyên gia để đảm bảo tính bền vững, lâu dài của Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp.
Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo đại biểu, việc đề xuất sử dụng hình thức Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là phù hợp.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan theo trách nhiệm được phân công chuẩn bị hồ sơ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 bảo đảm chất lượng, đúng quan điểm, mục tiêu và vi phạm; trình Quốc hội quyết định việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 trước khi trình Quốc hội thảo luận và xem xét, thông qua.
Trước phiên thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang với 5/5 đại biểu tham dự đông đủ phiên Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Duy Tuấn (tổng hợp)