Các đại biểu thảo luận ở tổ 16.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam Phạm Hùng Thắng tham gia ý kiến vào một số nội dung dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đó, tại khoản 10, Điều 8 dự thảo Luật về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước quy định: “... Đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn dự phòng ngân sách nhà nước hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 58 của Luật này. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích”.
Tuy nhiên, điểm c khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định: “Trường hợp sử dụng vốn ngoài kế hoạch đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật Đầu tư công năm 2024 chưa thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, chưa rõ việc quyết định đầu tư dự án, nhiệm vụ ngoài kế hoạch đầu tư công (chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển khác) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công hay pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về chuyên ngành có liên quan (xây dựng hoặc pháp luật chuyên ngành khác). Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh thống nhất.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.
Khoản 3, Điều 10 dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước quy định thời gian: Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương, định kỳ báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; UBND các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp... Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung quy định “định kỳ báo cáo” là theo hằng tháng, quý, 6 tháng hay năm hoặc quy định cơ quan nào quy định thời gian định kỳ báo cáo.
Tại khoản 2, Điều 35 quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách Trung ương và địa phương, đề nghị lựa chọn phương án 1, để các địa phương có nguồn kinh phí sử dụng vào các nhiệm vụ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường theo tính đa dạng sinh học và các nhiệm vụ cấp thiết, đột xuất khác.
Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương tại Điều 39 dự thảo Luật quy định: “ HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, bao gồm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách từng cấp ở địa phương phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/3/2025) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình tại Kỳ họp này không quy định thẩm quyền phân cấp của HĐND trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao vì vậy đề nghị xem xét chỉnh sửa nội dung trên thành: “HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể nguồn thu, bao gồm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách…” hoặc HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh phân cấp theo thẩm quyền, tránh tình trạng quy định “không thống nhất thẩm quyền” giữa các luật.
Điểm b, khoản 2, Điều 49 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp được giao bổ sung dự toán, chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày được giao, đơn vị dự toán và UBND cấp dưới hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán theo quy định; UBND cấp dưới báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất về quyết định việc giao dự toán bổ sung.” Đề nghị xem xét điều chỉnh thời hạn phân bổ dự toán tăng lên khoảng 15 ngày làm việc bảo đảm thời gian đơn vị lập nhu cầu, phân bổ dự toán sát với thực tế; tránh trường hợp phân bổ gấp có thể dẫn dễn phải điều chỉnh kinh phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách.
Khoản 1, Điều 50 dự thảo Luật quy định: “Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được Quốc hội, HĐND quyết định, cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước theo chức năng thực hiện tạm cấp ngân sách cho các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được cho đến khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định”.
Thực tế thực hiện, không chỉ giai đoạn đầu năm ngân sách mà trong năm thực hiện dự toán có thể phát sinh các nhiệm vụ khác như: Thay đổi tổ chức bộ máy nhà nước chuyển từ trung ương về địa phương, sáp nhập các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong thời gian chưa hoàn thiện các thủ tục, quyết định phân bổ lại dự toán cần có quy định cho phép tạm cấp kinh phí chi lương, các khoản chi cần thiết cho đơn vị để bảo đảm hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Do vậy, đề nghị xem xét chỉnh sửa quy định nêu trên thành: “Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách hoặc trong năm ngân sách (đối với các đơn vị điều chuyển do sắp xếp, tổ chức lại bổ máy), dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được Quốc hội, HĐND, UBND quyết định, cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước theo chức năng thực hiện tạm cấp ngân sách cho các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được cho đến khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định”…
Thảo luận về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam tham gia đóng góp một số ý kiến về tiêu chí phân loại dự án nhóm A; điều chỉnh chủ trương đầu tư; thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương; thực hiện và giải ngân vốn trung hạn và hằng năm; việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C; thẩm quyền dừng chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công năm 2019 và chuyển tiếp khi Luật Đầu tư công năm 2024 có hiệu lực…
Mai Hương (Tổng hợp)