Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý tại Điều 9 về nguyên tắc sử dụng ngân sách, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định nguyên tắc là ngân sách cấp nào thì có thể đảm bảo nhiệm vụ chi của ngân sách cấp đó là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, đặc biệt là những đơn vị, địa phương giáp biên giới. Do đó, cần phải cho phép ngân sách chi thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan đến quan hệ giữa các xã biên giới, các đối tượng biên giới.
Về vấn đề liên quan đến sử dụng quỹ dự phòng ngân sách, đại biểu đồng tình quy định đối với Chính phủ thì giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định để sử dụng quỹ dự phòng ngân sách. Tuy nhiên, theo đại biểu nội dung này đối với địa phương thì dự thảo Luật chưa đề cập đến, do đó đề nghị nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định việc sử dụng quỹ dự phòng ngân sách. Nếu như thế thì rất chủ động cho Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định; và quỹ này cũng dùng vào mục đích sử dụng để thực hiện giải quyết nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ phòng ngừa từ xa, dịch bệnh...
ĐBQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các ĐBQH thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là nội dung rất quan trọng, vừa thể hiện chính sách nhất quán của Đảng ta coi bộ phận đồng bào ta ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời đối với cộng đồng Việt Nam và tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm hộ tịch. Tuy nhiên đại biểu đề nghị trong các quy định cũng luôn luôn tính đến để đảm bảo an ninh quốc gia.
Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam.
Về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, theo đại biểu trên tinh thần rất tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài nhập quốc tịch, tuy nhiên cũng cần rà soát lại cho chặt chẽ, đặc biệt ở điểm 2a nên bổ sung những trường hợp có cha, mẹ nuôi là người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam. Do đó nên quy định để không phải ràng buộc bởi những điều kiện khác nữa. Cần xem xét lại quy định về thời gian quy định có thời gian sinh sống tại Việt Nam; quy định điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam...
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi dự án luật. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi các dự án luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Quốc Hương