Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận ở tổ về một số dự án luật

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận ở tổ về một số dự án luật
10 giờ trướcBài gốc
Tại tổ thảo luận số 3 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi) có 6 đại biểu nêu ý kiến; các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Quang cảnh tổ thảo luận số 3.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp…
Góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 43/91 điều và bổ sung 8 điều mới là phù hợp; đồng thời đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi một số nội dung khác còn vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính toàn diện theo 6 nhóm nội dung đã được nêu trong Báo cào thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận tại tổ.
Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, tại Khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” vào Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát vì nguyên tắc của hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chủ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát, đồng thời cần phân biệt, không trùng lặp với mục đích giám sát. Đối chiếu với yêu cầu trên, có thể nhận thấy, việc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không phải tất cả các hoạt động giám sát đều đáp ứng được mục tiêu trên.
Theo đại biểu, quy định nội dung này như một nguyên tắc tại Điều 3 là chưa tương thích và đồng bộ với nội dung của các nguyên tắc khác đang được quy định tại Điều này; đồng thời cũng chưa phù hợp với nội hàm của khái niệm giám sát được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trường hợp vẫn bổ sung nội dung nêu trên là một nguyên tắc của hoạt động giám sát thì trong các quy định có liên quan của Luật cần bổ sung, làm rõ phương thức thực hiện, bảo đảm áp dụng khả thi trong thực tiễn như: Yêu cầu bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật được thể hiện trong từng hình thức giám sát cụ thể như thế nào? Nội dung kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền cần được thể hiện như thế nào để phù hợp với nguyên tắc này... mà không chỉ quy định chung là “gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” như tại khoản 1a Điều 12, khoản 1a Điều 23, khoản 1a Điều 38…
Góp ý vào giải pháp bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (khoản 50 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng các giải pháp được bổ sung cơ bản kế thừa quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 89 của Luật hiện hành. Trong khi đó, việc có cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị giám sát là một trong những vấn đề được ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp và cử tri quan tâm nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp (mới) thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.
Tiến Hòa
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/doan-dbqh-tinh-bac-giang-thao-luan-o-to-ve-mot-so-du-an-luat-172815.bbg