Các vị ĐBQH tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với cử tri huyện Gia Viễn về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Ảnh Đức Lam
Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và tăng cường giám sát
Năm 2024, với khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chủ động, đổi mới và trách nhiệm cao trong mọi lĩnh vực công tác. Trong đó, công tác xây dựng luật và nghị quyết được Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt chú trọng. Bằng việc chủ động thu thập ý kiến từ cử tri, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và đặc biệt là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật, Đoàn đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong các quy định của pháp luật cần phải được giải quyết trên các lĩnh vực: Công đoàn, văn hóa, điện lực, bảo hiểm, y tế… làm tư liệu để đại biểu nghiên cứu góp ý tại các kỳ họp.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thanh Thủy.
Hình thức thuê chuyên gia, cộng tác viên pháp luật tiếp tục được triển khai, qua đó huy động trí tuệ của những người có chuyên môn sâu. Năm 2024, Đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý cho các dự án luật quan trọng như: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT...
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đoàn, sự chuẩn bị chu đáo, đề cao trách nhiệm của đại biểu, năm 2024, trong 4 kỳ họp bất thường và 2 kỳ hợp định kỳ, Đoàn đã có 34 lượt ý kiến phát biểu tham gia thảo luận góp ý xây dựng các dự án luật, nghị quyết. Trong đó có nhiều ý kiến chất lượng, phù hợp với thực tiễn và tâm tư nguyện vọng của cử tri, được Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp thu. Điều này cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa hoạt động của Đoàn với đời sống của người dân.
Thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tăng cường các hoạt động giám sát và khảo sát. Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên cơ sở thực tiễn của địa phương, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thực hiện 1 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; 2 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023"; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2019 đến hết năm 2023". Các cuộc giám sát được triển khai khách quan, đúng luật định với phương pháp làm việc dân chủ, thẳng thắn, rút ngắn thời gian đọc báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát để tăng thời gian trao đổi, thảo luận, khảo sát thực tế; tìm hiểu nội dung vấn đề giám sát từ nhiều phía để có những nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện được khách quan, đảm bảo tính xác thực của các nhận định, đánh giá, kiến nghị sau giám sát.
Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức khảo sát tình hình thực hiện một số luật như: Luật Công đoàn, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện lực (sửa đổi), giúp nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị từ cơ sở. Việc tham gia vào các đoàn giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội cũng giúp Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có cái nhìn đa chiều và sâu rộng hơn về các vấn đề của đất nước.
Giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Với phương châm “gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định.
Các hội nghị tiếp xúc của Đoàn đã thu hút được đông đảo cử tri tham dự và phát biểu ý kiến, kiến nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng của cử tri đối với các vấn đề lớn của đất nước, của tỉnh như: chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; ổn định giá cả thị trường; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức khảo sát việc thực hiện Luật Điện lực tại Sở Công Thương. Ảnh: Trần Dũng
Trong các buổi tiếp xúc, Đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, tập trung tuyên truyền những điểm mới, các nội dung cơ bản của các luật mới thông qua để cán bộ, lãnh đạo và cử tri biết, thực hiện tốt các quy định của luật; thông báo nội dung, chương trình, kết quả kỳ họp Quốc hội. Sau các hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời theo quy định.
Để việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đạt kết quả cuối cùng, Đoàn đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thường xuyên đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri rà soát, cập nhật báo cáo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, nhất là các nội dung cử tri kiến nghị đã tồn tại qua nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đăng tải đầy đủ, kịp thời, công khai các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trên Trang Thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri có thể dễ dàng truy cập, theo dõi, nắm bắt.
Việc tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, với sự tham gia của các ĐBQH và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân do Đoàn tiếp nhận đều được nghiên cứu, chuyển kịp thời đến đúng cơ quan chức năng để yêu cầu giải quyết, trả lời. Đồng thời, các đại biểu trong Đoàn cũng trực tiếp trao đổi, hướng dẫn pháp luật, giải thích, giải đáp nhiều ý kiến của công dân. Công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư được thực hiện chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc rà soát, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Việc thực hiện có nền nếp trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri đã khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình với địa phương, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri đối với đại biểu dân cử.
Đinh Ngọc