Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Đoàn ĐBQH tỉnh họp ở Tổ thảo luận các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và các ĐBQH trong đoàn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN
Đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất sửa đổi về việc xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản. Bởi lẽ, biên bản xử phạt vi phạm hành chính là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm, các tình tiết liên quan và là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Biên bản là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng. Biên bản cũng làm minh bạch hóa quá trình xử phạt vi phạm và tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính công bằng của pháp luật.
Về việc bổ sung điểm C vào khoản 4 Điều 126 liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, đại biểu Sương cho rằng cần cân nhắc kỹ vì tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức. Về nguyên tắc, Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu không bảo đảm, cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng hạn chế biện pháp xử phạt bổ sung.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN
Đóng góp ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đề nghị không nên bỏ quy định Cơ quan chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phản biện xã hội mà nên giữ như quy định hiện hành vì thời gian qua thực hiện không có vấn đề gì trở ngại.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Huy cho rằng, tên gọi Đoàn Chủ tịch không thật sự phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội quy định Chủ tịch Quốc hội. Do đó nên giữ nguyên tên gọi Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp của Quốc hội. Về quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, dự thảo đã quy định rút ngắn từ 7 phút xuống còn 5 phút thì không nên quy định Chủ tọa điều hành phiên họp rút xuống nữa. Bởi vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc trình bày, diễn giải nội dung phát biểu của đại biểu.
Về quy định trình tự thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Huy đề nghị bổ sung quy định: Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định điều chỉnh cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về công tác bầu nhân sự tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Huy đề nghị xem xét cần thiết thực hiện bước họp lấy ý kiến ở Đoàn ĐBQH không, nhằm rút ngắn quy trình thực hiện.
Tin, ảnh: PV - CTV