Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc, về phía tỉnh Quảng Ninh có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường; đại diện các sở, ngành.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn giám sát, cho biết, năm 2025, Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao có chủ đề rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đó là, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại cuộc làm việc
Mục tiêu của chuyên đề giám sát nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trọng tâm là đánh giá kết quả thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường. Qua giám sát, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm; rút ra bài học kinh nghiệm; từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
Về cách thức làm việc, Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Quảng Ninh không trình bày báo cáo đã gửi Đoàn giám sát; thay vào đó, Đoàn sẽ nêu nhận xét về các nội dung trong báo cáo của tỉnh và các thành viên Đoàn sẽ bổ sung các câu hỏi đề nghị làm rõ hơn nội dung của báo cáo.
Trình bày nhận xét của Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn công tác số 3 nêu vấn đề, theo báo cáo của tỉnh, hiện còn 18 nội dung chính sách triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được ban hành. Trong đó, 6 nội dung chưa có văn bản do chưa nhận hoặc chậm nhận được hướng dẫn; 5 nội dung đang trong quá trình triển khai. Luật đã có hiệu lực hơn 3 năm nhưng tỉnh vẫn chưa hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan, cho thấy tiến độ triển khai còn chậm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn công tác số 3, phát biểu tại cuộc làm việc
Các hoạt động quan trắc môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường… được Quảng Ninh thực hiện theo quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) ban hành, chưa xây dựng định mức riêng. Đoàn đề nghị Quảng Ninh làm rõ việc áp dụng định mức chung có phù hợp với điều kiện của tất cả các địa phương?
Liên quan đến thủ tục hành chính, hiện Quảng Ninh có 14 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, trong đó 8 thủ tục cấp tỉnh, 4 thủ tục cấp huyện và 2 thủ tục cấp xã. Quảng Ninh cần làm rõ việc điều chỉnh thẩm quyền giải quyết các thủ tục cấp huyện trước đây đã chuyển cho cấp nào, có phát sinh khó khăn gì hay không?
Về kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt, báo cáo cho thấy, Quảng Ninh chưa thể lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt do thiếu hướng dẫn kỹ thuật, định mức từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ). Một số quy định về quy hoạch môi trường của tỉnh cũng chưa đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia và chuyên ngành đã ban hành trước đó, gây khó khăn trong việc dự báo tải lượng ô nhiễm và phân vùng xả thải phù hợp.
Đoàn công tác số 3 làm việc với Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin
Đoàn cũng đề nghị Quảng Ninh bổ sung đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Một số cụm công nghiệp chưa hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; 2 làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường, tỉnh cần rà soát, bổ sung giải pháp khắc phục. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các giải pháp về sử dụng công cụ kinh tế cho công tác bảo vệ môi trường, như trái phiếu xanh, tín dụng xanh…
Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Quảng Ninh làm rõ hơn các giải pháp ứng phó với sự cố môi trường; các giải pháp kiểm soát hiện tượng xả thải từ du lịch, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản ven biển; kết quả, định hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong việc bảo vệ môi trường; quản lý xả thải từ các phương tiện giao thông; hiệu quả của Quỹ Bảo vệ môi trường…
Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến và vấn đề các thành viên Đoàn công tác nêu tại cuộc làm việc và sẽ có báo cáo giải trình sớm bằng văn bản. Đồng thời khẳng định, công tác bảo vệ môi trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự thể chế hóa kịp thời của HĐND tỉnh và triển khai quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường báo cáo, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát nêu tại cuộc làm việc
Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, với định mức phân bổ chi thường xuyên thuộc nhóm cao nhất cả nước. Tổng nguồn lực tỉnh đã huy động và bố trí cho lĩnh vực này đạt trên 51.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương chi khoảng 2.550 tỷ đồng, phần còn lại hơn 48.000 tỷ đồng đến từ nguồn xã hội hóa. Riêng chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chiếm 27,3%.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 11 cụm công nghiệp, trong đó 4 cụm đã đi vào hoạt động và 100% các cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Tại các khu mỏ than hiện đại, điều kiện làm việc được cải thiện đáng kể, không còn cảnh bụi bặm…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Với vị trí địa lý đặc biệt, vừa giáp biển, giáp biên giới đất liền với Trung Quốc, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics và du lịch. Những điều kiện thuận lợi này đã giúp tỉnh duy trì tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm qua và dẫn dắt kinh tế vùng phát triển.
Theo Phó Trưởng Đoàn giám sát, báo cáo của tỉnh được chuẩn bị công phu, chi tiết, phản ánh rõ các kết quả đạt được kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch đã được ban hành; nhận thức của các cấp, ngành và người dân được nâng cao; môi trường sống được cải thiện; ô nhiễm môi trường được kiểm soát và giảm thiểu.
Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang đối mặt với thách thức trong việc hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường vẫn còn thách thức như: xã hội hóa đầu tư còn khó khăn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng; công tác quản lý nguồn thải, phân loại, tái chế, xử lý chất thải còn hạn chế; việc thu hút các dự án tái chế ở quy mô lớn chưa đạt kỳ vọng…
Phó trưởng Đoàn giám sát đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác, tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo và gửi Đoàn giám sát trước ngày 21/7 tới đây.
Về nhiệm vụ sắp tới, Đoàn giám sát đề nghị, Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường 2020; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập; ưu tiên bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý môi trường, tinh gọn thủ tục hành chính, đặc biệt là trong bối cảnh không còn cấp huyện cấp phép môi trường; tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó trưởng Đoàn giám sát đề nghị sớm tháo gỡ các vướng mắc, ban hành văn bản hướng dẫn rõ ràng, đặc biệt liên quan đến việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan.
Đoàn công tác số 3 khảo sát, làm việc tại Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin
Đoàn công tác số 3 khảo sát tại Phòng theo dõi Trạm xử lý nước thải của Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin
Đoàn công tác số 3 khảo sát kênh quan trắc nước thải của Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin
+ Chiều cùng ngày, Đoàn công tác làm việc, khảo sát tại Công ty Than Cao Sơn và Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương.