Đoàn kết, bứt phá, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển bền vững

Đoàn kết, bứt phá, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển bền vững
12 giờ trướcBài gốc
Góc thành phố Sơn La. Ảnh: Hoàng Giang
Ngược dòng lịch sử, năm 1939, tại Nhà tù Sơn La, dưới gông cùm đày đọa khắc nghiệt của thực dân Pháp, những người tù cộng sản, bằng ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc, đã quyết tâm làm nên sự kiện vô cùng lớn lao và ý nghĩa: Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản, thắp lên ngọn lửa cách mạng nơi miền Tây Bắc; là cơ sở quan trọng hình thành Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này.
85 năm qua, vượt lên khó khăn thử thách, tổ chức Đảng và đảng viên của Đảng bộ tỉnh Sơn La không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, chung tay thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước. Từ chỗ chỉ có 10 đảng viên của Chi bộ nhà tù Sơn La, sau 85 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Đảng bộ có 832 tổ chức cơ sở đảng, 4.119 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, hơn 94.220 đảng viên... đó là những con số ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và ban hành đầy đủ, kịp thời, sát thực, hệ thống các văn bản để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... của Trung ương, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”; thực hiện hiệu quả mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”, đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ tỉnh, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên. Điểm nổi bật là chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố đã phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Hết năm 2024, toàn tỉnh đã bố trí 137/204 bí thư, 121 chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương; 118 bí thư là chủ tịch HĐND cấp xã; 2.086/2.248 chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi ủy; có 2.212/2.248 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng dân phố. Thực hiện luân chuyển, điều động 436 cán bộ, công chức thuộc diện huyện ủy quản lý. Hằng năm, trên 90% số đảng bộ cấp xã và trên 88% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...
Ca sản xuất tại Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La. Ảnh: PV
Trong mỗi thời kỳ, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã vận dụng sáng tạo các chủ trương đường lối của Đảng và thực tiễn địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, khơi dậy khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, giành nhiều thành tựu về mọi mặt. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 36.274 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người ước đạt 57,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5,9 triệu đồng so với năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.100 tỷ đồng, hoàn thành dự toán Trung ương giao.
Bứt phá, vươn lên, Sơn La đang là vùng sản xuất nông nghiệp nổi tiếng cả nước với nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới. Toàn tỉnh có 188 sản phẩm OCOP, 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, tăng 28 chuỗi so với năm 2023; 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài.
Sản phẩm chè OCOP của Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc, huyện Bắc Yên. Ảnh: PV
Hiện nay, toàn tỉnh có 88.688 ha cây công nghiệp; 84.780 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả ước đạt 378.500 tấn; là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước với trên 20.000 ha. Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục khởi sắc; các nhà máy chế biến hoàn thành đi vào sản xuất; nhiều doanh nghiệp, HTX chủ động xin điều chỉnh mở rộng quy mô, đầu tư thêm dây chuyền, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Năm 2024, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 198 triệu USD tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì và phát triển. Nhất là hoạt động du lịch có nhiều điểm nhấn, nổi bật. Khu du lịch Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia; là năm thứ 3 liên tiếp được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á”. Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia; tổng lượng khách du lịch ước đạt 4,9 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2023; doanh thu ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2023.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, chính trị, quan trọng của đất nước, của khu vực, của tỉnh. Thành phố Sơn La được công nhận là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Đời sống nhân dân ổn định, sức khỏe được chăm sóc tốt, các chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội thực hiện kịp thời; đã hỗ trợ 1.156 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, tổng số kinh phí 50,993 tỷ đồng. Vận động quyên góp, ủng hộ được 139,91 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 và số 3 gây ra; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,1%, giảm 3,07 điểm phần trăm so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vòng xòe đoàn kết tại Lễ vinh danh thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”. Ảnh: PV
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới giữ vững, ổn định. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, hợp tác hữu nghị giữa Sơn La với 9 tỉnh Bắc Lào được duy trì, phát triển.
Năm 2024, tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản triển khai dự án giao thông cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; phối hợp lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Nà Sản; đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Mộc Châu - thành phố Sơn La trong giai đoạn 2026-2030... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năm 2024, Sơn La đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.737,08 tỷ đồng.
Hoàn thành nhiệm vụ trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Sơn La đã sắp xếp 30 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 26 đơn vị hành chính cấp xã mới; đô thị Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV, huyện Mộc Châu được công nhận là thị xã... Triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xây dựng Đề án sắp xếp các cơ quan đảng, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tinh gọn - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Quyết tâm hiện thực hóa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động, nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, giành thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo đà tăng tốc, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Quỳnh Ngọc
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-ket-but-pha-xay-dung-tinh-son-la-phat-trien-ben-vung-4GiikZHNg.html