Đoàn kết, đồng lòng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới!

Đoàn kết, đồng lòng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới!
6 giờ trướcBài gốc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh kiểm tra tiến độ đầu tư hạ tầng tại dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. Ảnh: Quốc Tín.
Vượt khó
Tháng 10/2020, Bình Thuận bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Nghị quyết), với những thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch Covid-19 tác động nặng nề làm đảo lộn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà phục hồi nhanh chóng và tiếp tục đà phát triển. Để rồi đến nay, nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, chúng ta tự tin khẳng định rằng: Các chủ trương và quyết sách được đề ra trong Nghị quyết được cụ thể hóa với những kết quả khả quan. Đó là: Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; trong đó, tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành và tuyến đường ven biển phía Nam của tỉnh ĐT719B đã tạo ra không gian phát triển mới. Đặc biệt, với sự vận hành hiệu quả tuyến cao tốc (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), tạo kết nối thông suốt, thuận lợi để thúc đẩy giao thương, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là 767 dự án, đến cuối năm 2024 có 699 dự án đã hoàn thành đi vào sử dụng. Việc các dự án đầu tư công được quan tâm triển khai, góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào Bình Thuận. Từ năm 2020 đến nay, có thêm 2 khu công nghiệp Tân Đức và Sơn Mỹ 2 được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh hiện có lên 9 khu công nghiệp với diện tích hơn 3.003 ha. Bình Thuận tiếp tục phát huy thế mạnh công nghiệp năng lượng; đến nay, là 1 trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước, với 47 nhà máy điện đang phát điện có tổng công suất nguồn 6.517 MW, chiếm tỷ lệ 8,09% công suất lắp đặt của cả nước, tiếp tục đóng góp sản lượng điện lớn cho nền kinh tế quốc dân. Hiện nay tỉnh đang chú trọng đẩy nhanh tiến độ hình thành tổ hợp khí - điện Sơn Mỹ: Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, Nhiệt điện Sơn Mỹ 2, Kho LNG Sơn Mỹ, để hình thành Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ...
Vườn thanh long. Ảnh: Internet.
Về du lịch, Bình Thuận đã có bước phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19 khi tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân hơn 16,28%/năm. Bình Thuận đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển quốc gia và quốc tế.
Đối với trụ cột nông nghiệp, hạ tầng phục vụ sản xuất tiếp tục được quan tâm đầu tư tăng thêm, nhất là hệ thống thủy lợi, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường và thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bình Thuận luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân là trung tâm của sự phát triển, qua đó hiện thực hóa trong các quyết sách của tỉnh. Công tác chăm lo cho gia đình có công với cách mạng tiếp tục được chú trọng; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hỗ trợ. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Lướt ván buồm ở Mũi Né. Ảnh: N.Lân
Tạo sức bật, tăng tốc phát triển
Trong bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội tỉnh nhà từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết quả của năm 2024 có nhiều điểm sáng. Theo đó, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá tốt, với tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,25% so năm 2023. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,2%; 9/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch khởi sắc, khi toàn tỉnh đón hơn 9,68 triệu lượt khách, tăng hơn 15,9% so năm 2023; doanh thu du lịch 25.530 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 10.700 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch dự toán. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lương thực ước đạt 873.084 tấn, tăng 2,58% so với năm 2023. Nhiều dự án xây dựng mới các trường học, xây dựng, sửa chữa các cơ sở y tế, mua sắm trang thiết bị y tế đã được triển khai thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Các hoạt động chăm lo đền ơn đáp nghĩa, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện đảm bảo.
Với quy mô nền kinh tế đạt 121.000 tỷ đồng, Bình Thuận tiếp tục phát huy các lợi thế, tiềm năng; tăng cường thu hút đầu tư, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hiện thực hóa khát vọng, cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Đoàn kết, đồng lòng tiến bước
Năm 2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh Bình Thuận; Tỉnh ủy đã xác định chủ đề năm 2025 là: “Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Chia sẻ về nhiệm vụ trong năm 2025, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh sẽ tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống người dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ tập trung thực hiện tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dồn sức triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với việc mở rộng địa giới hành chính TP. Phan Thiết. Phát triển mạnh 3 trụ cột kinh tế của tỉnh: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Cùng với đó, chú trọng triển khai thực hiện các chính sách, quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2024, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; khơi thông dòng chảy cho nguồn vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo ra động lực cho sự phát triển; đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; khánh thành và khởi công mới các công trình, dự án chào mừng 50 năm Giải phóng quê hương Bình Thuận và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XV. Đến cuối năm 2025, Bình Thuận cũng sẽ quyết tâm hoàn thành việc xây, sửa nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Một mùa xuân mới đang về, mang theo niềm tin, khát vọng và khí thế mới. Nhưng chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở chặng đường phía trước. Song tôi tin rằng, một khi sức mạnh nội sinh từ đoàn kết, đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, kết hợp với sức mạnh của thời đại được khơi dậy và phát huy, chúng ta sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh.
Sau gần 40 năm đổi mới và 32 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã tận dụng những lợi thế khác biệt để vượt khó, vươn lên, với quy mô nền kinh tế đến nay đạt 121.000 tỷ đồng. Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà quyết tâm vượt qua những trở ngại để phát triển và bứt phá. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh: “Để làm được điều đó, yếu tố con người là hết sức quan trọng. Do đó, tôi mong muốn Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên luôn chú trọng xây dựng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; nỗ lực, phấn đấu cùng với các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, đồng lòng chung sức, tất cả vì mục tiêu phát triển đưa Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới”.
PHÚC SINH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/doan-ket-dong-long-cung-ca-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-127478.html