Ngày 25-4, ông Lê Thanh Thuận, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau cho biết, Ban chủ nhiệm đã có quyết định xóa tên khỏi danh sách luật sư thành viên thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau đối với ông Lê Công Nghiệp.
"Quyết định tôi ký và ban hành hôm qua 24-4-2025 và đã triển khai cho ông Nghiệp" - ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, ông Lê Công Nghiệp chưa bàn giao chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định. Tuy nhiên, việc giao chứng chỉ hành nghề luật sư là tự giác, trường hợp không bàn giao cũng không còn giá trị sử dụng, vì Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau đã có thông báo về việc xóa tên nêu trên đến các cơ quan thẩm quyền trong toàn tỉnh.
Theo Quyết định của Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, lý do ông Lê Công Nghiệp bị xóa tên là vào ngày 16-4, Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ra Quyết định thu hồi thẻ luật sư của ông Lê Công Nghiệp.
Trước đó, ông Nghiệp bị tố cáo đã làm hồ sơ gian dối và từng phạm tội nghiêm trọng. Bộ Tư pháp vào cuộc và kết luận: ông Lê Công Nghiệp không có gian dối trong làm hồ sơ đề xuất hành nghề luật sư, nhưng ông Nghiệp từng phạm tội nghiêm trọng. Căn cứ Luật Luật sư thì ông Nghiệp không thể hành nghề luật sư.
Từ kết quả giải quyết tố cáo, ngày 26-3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định sửa đổi Quyết định cấp giấy phép hành nghề luật sư trong năm 2008, xóa tên ông Lê Công Nghiệp khỏi danh sách luật sư được cấp thẻ năm 2008.
Chiều 25-4-2025, trao đổi với phóng viên PLO, ông Lê Công Nghiệp khẳng định do không phục nên không bàn giao thẻ luật sư.
"Thời làm Chủ tịch tỉnh Cà Mau tôi từng bị tuyên án cảnh cáo vì phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi. Tôi bị truy tố ở khoản 1 của Điều luật quy định tội danh này, HĐXX cũng đã nhận định trong bản án tội tôi thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Thế mà hôm nay, Bộ Tư pháp lại xác định tôi phạm tội nghiêm trọng. Nên tôi không phục và đang khiếu nại với Bộ Tư pháp bằng các biện pháp đúng quy định pháp luật", ông Nghiệp nói.
Theo hồ sơ, năm 1994, khi ông Lê Công Nghiệp đang là Phó Chủ tịch tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau), một doanh nghiệp xây dựng ở Cà Mau đã xuất tiền (36 triệu đồng) trả hộ ông tiền mua một căn nhà ở phường 7, TP Cà Mau. Ông Lê Công Nghiệp bị khởi tố bị can khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ngày 27-5-2004, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm vụ án này, ông Lê Công Nghiệp bị tòa tuyên phạt cảnh cáo về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Từ năm 2017, khi ông Nghiệp bị tố cáo, Bộ Tư pháp đã xác định lại hồ sơ vụ án và khẳng định trong vụ án trên ông Nghiệp đã phạm tội ở mức độ "nghiêm trọng". Theo quy định Luật luật sư thì người phạm tội "nghiêm trọng" sẽ không được làm luật sư.
Theo Bộ Tư pháp, rằng dù bản án xác định ông Lê Công Nghiệp phạm tội "ít nghiêm trọng", nhưng Điều luật mà bản án này tuyên ông Nghiệp phạm phải là khoản 1, Điều 219 (không ghi Bộ luật năm nào). Qua nghiên cứu, Bộ Tư pháp xác định khoản 1, Điều 219 với tội danh của ông Nghiệp bị truy tố lúc bấy giờ là thuộc Bộ luật hình sự năm 1999. Điều khoản này quy định khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù. Trong khi khoản 3, Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội ít nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù, cao hơn 3 năm là các trường hợp từ "nghiêm trọng" trở lên.
"Mặc dù bản án số 64/STHS có ghi ông Lê Công Nghiệp phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ [...] nên tuyên phạt ông Lê Công Nghiệp với hình phạt cảnh cáo. Tuy nhiên những nhận định và hình phạt mà bản án số 64/STHS đưa ra không làm thay đổi khái niệm tội phạm nghiêm trọng", kết luận của Bộ Tư pháp năm 2017 nêu.
Từ đó, Bộ Tư pháp đã kết luận nội dung tố cáo ông Lê Công Nghiệp từng phạm tội "nghiêm trọng" là đúng.
Trần Vũ