CHUYẾN TÀU CHỞ THANH XUÂN
Chỉ riêng ngày 22/12, ngày chính thực vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đã có hơn 150.000 lượt khách tham gia trải nghiệm trên 170 chuyến metro đi - về. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, có 14 ga; trong đó có 11 ga trên cao và 3 ga ngầm: Ga Ba Son, ga Nhà hát Thành phố và ga Bến Thành.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã về đích, tuy có chậm, nhưng vẫn kịp cùng người dân Thành phố mang tên Bác chào mừng mùa lễ hội tưng bừng nhân 50 năm Ngày Đất nước hoàn toàn thống nhất (1975 - 2025). Metro là dự án đầu tiên của Việt Nam và cũng là dự án đầu tiên của TPHCM vừa chạy trên cao và đi ngầm dưới mặt đất nên có những bất cập khi thực thi, triển khai thực hiện dự án “có nhiều thứ đầu tiên”: có những bất cập trong thực thi hợp đồng quốc tế; có chỗ vênh nhau giữa các luật hiện hành và một thứ đầu tiên mà chúng ta không thể nào quên, đó là hơn 2 năm liền (2020 - 2021), dịch Covid-19 diễn tiến khó lường, khiến thành phố chúng ta bỗng dưng “bệnh nặng”. Mọi thứ, mọi việc, tưởng như dừng lại. Nhưng không.
Công trình Metro
Kỹ sư Lê Thành Lê, Quyền Giám đốc dự án CP1b của liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (thi công 2 nhà ga ngầm Ba Son, Nhà hát Thành phố, đoạn nối với ga Bến Thành và đoạn đường hầm nối hở lên ga Văn Thánh, trên cao) và Kỹ sư thiết kế Ngô Quốc Kiệt, trợ lý giám đốc dự án CP1a của liên danh SMCC - Cienco 4 (thi công ga ngầm Bến Thành, nơi sâu nhất với 4 tầng hầm, dưới chân khu vực Thánh tướng Trần Nguyên Hãn) cho biết: Khoảng thời gian ấy, lệnh giãn cách xã hội được thực thi, đường phố tĩnh lặng, vắng hoe, chỉ có xe cứu thương hoạt động hết công suất. Mọi việc, mọi người đều như “biến mất”. Đó là bên trên mặt phố. Dưới lòng đất, các kỹ sư, công nhân, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam với nón che nửa mặt người, nửa còn lại là khẩu trang che kín “chỉ giao tiếp qua đôi mắt”, mọi người, chỉ có thể biết “ai là ai” khi nhìn tên người, bộ phận làm việc được viết nguệch ngoạc trên những bộ áo bảo hộ. Họ như những chú ong thợ chăm chỉ dưới khu đường ngầm ngổn ngang hồ, vữa, sắt, thép. Để cuối cùng họ về đích khi dịch Covid-19 ở thành phố này vừa tan băng, đó là đầu năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến khảo sát công trình.
Chị Vũ Minh Huyền, Phó Ban Quản lý đường sắt nội đô kể chuyện “cười ra nước mắt”. Năm 2008, chị Huyền được điều động từ UBND Quận 5 về Ban Quản lý đường sắt nội đô (MAUR). Khi ấy là tháng 2, cận Tết, việc mua vé xe lửa cũng khó khăn nên chị Huyền nhận nhiều tin nhắn, điện thoại nhờ mua vé xe lửa về quê. Chị giải thích là không giúp được, họ nói lẩy: “Thì làm ở đường sắt là làm “bên xe lửa” chứ gì nữa”. Chưa hết. Cũng do gần Tết, nghe nói chị “về làm bên metro” bạn bè, họ hàng có người nhắn tin, gọi điện nhờ làm “Thẻ mua hàng” ở siêu thị Metro. “Đi metro”, từ ấy không chỉ nhắc đến sự tiện lợi, an toàn cho người dân khi dùng phương tiện công cộng, mà còn nhấn mạnh đến sự thay đổi phương thức di chuyển của người dân thành phố và các nơi đến TPHCM. Nhưng những năm đầu, người ta nghe nói về “metro, tàu điện ngầm” như câu chuyện cổ tích, chưa thấy hồi kết.
QUÊ NHÀ ƠI!
Trong chuyến tàu đi trên quê hương mình, ông bác là Việt Kiều Mỹ “Năm Cầu đỏ”, khi tôi hỏi tên, ông nói, bạn bè ở Việt Nam gọi ông thế và ông yêu cái tên ấy. Ông đứng sát cửa sổ chăm chú ngắm cảnh, quay sang tôi nói giọng bồi hồi: “Sài Gòn đẹp quá! Quê hương mình đẹp quá! Nhìn Sài Gòn từ cửa sổ máy bay chỉ thấy chi chít nhà xe như những hộp quẹt… Đứng đây, thấy quê nhà sao gần thế, thật ám áp...”, ông xúc động đến nghẹn lời. Lát sau ông quay sang tôi, hỏi: “Cô cũng ở bển dzìa hả?”, “Dạ không, tôi dân Sài Gòn”. Ông cười: “Sài Gòn giờ có metro đi thuận tiện hơn bên Texas với Cali của tụi tui rồi”. Có chị “tay xách nách mang” nhìn quanh toa xe rồi nhìn tôi cười: “Tui tưởng tàu metro này chỉ chạy trên tivi thôi chứ. Giờ ngồi trên tàu, đẹp, sang trọng như là đang “đóng phiêm” Hàn Quốc dzậy”. Kịt Vĩnh Dì, sinh viên lớp K23 - Khoa Báo chí Truyền thông (ĐH KHXH-NV TP), không giấu được sự phấn khích khi tham gia chuyến đi thử nghiệm chất lượng cao, nói: “Hôm nay, nhóm tụi em nhà ở Đồng Nai với Bình Dương đi học bằng metro. Tụi em chạy xe ra ga Suối Tiên gửi rồi đi tàu vô trong Quận 1 thật thuận tiện và an toàn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trong chuyến khảo sát công trình.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM, mở đầu cho việc xây dựng mạng lưới metro xuyên suốt, đi lại thuận tiện khắp thành phố trong tương lai. Hệ thống này khi xây dựng hoàn chỉnh 8 đến 10 tuyến metro nữa, sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các khu vực nội đô với ngoại ô, không chỉ giảm ùn tắc giao thông mà còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm Thục