Đoàn Văn công Anh hùng

Đoàn Văn công Anh hùng
14 giờ trướcBài gốc
Có một điều lạ lùng đến mức kỳ diệu, ta nhận ra rằng, từ xưa ông cha ta quyết chiến quyết thắng với mọi kẻ thù, bao giờ cũng có một thứ vũ khí sắc bén đồng hành để nuôi dưỡng niềm tin, tin chắc sẽ đến ngày toàn thắng: các loại hình sinh hoạt của văn hóa văn nghệ.
Sử chép rằng, tương truyền, vào tháng 02/1077, một đêm trước khi mở cuộc phản công trên toàn tuyến dọc sông Như Nguyệt, quân sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt đã nghe vọng lên tiếng ngâm thơ từ trong đền thờ hai vị phúc thần Trương Hống, Trương Hát - danh tướng cũ của anh hùng Triệu Quang Phục. Tiếng ngâm thơ hào hùng, sang sảng ấy khiến quân dân Đại Việt càng thêm tin tưởng vào cuộc chiến đấu chính nghĩa; còn giặc Tống sợ hãi đến vỡ mật! Bài “Thơ thần” của Lý Thường Kiệt được xem là “Bản tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất của Tổ quốc ta.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Giải phóng tại chiến trường miền Đông Nam Bộ
Truyền thống này, nhìn từ chiến trường miền Nam, chúng ta thấy rất rõ nét. Sự hình thành của đoàn văn công từ R đến các địa phương là minh chứng sống động. Trước khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (1960), dân quân miền Nam đa phần sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật đã hình thành trong kháng chiến chống Pháp. Như vậy, vẫn chưa đủ. Cần phải có nhiều, nhiều hơn nữa các sáng tác mới kịp thời phản ánh cục diện chiến trường trong giai đoạn mới.
Đáp ứng nhu cầu này, Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Cục đã từng bước xây dựng Đoàn Văn công Giải phóng - từ “hạt giống” của nhiều nguồn khác nhau. Chính các nguồn từ Campuchia về nước tham gia kháng chiến, từ nội thành vào R theo tiếng gọi của chính nghĩa, từ văn nghệ sĩ miền Nam tập kết, từ con em miền Bắc, từ các tỉnh miền Nam đã hội tụ để hình thành nên một nền văn nghệ mới. Nền văn nghệ này “ra đời trong máu lửa” có bản sắc độc đáo, nhiều loại hình hoạt động, đủ sức phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ cho dân quân tiền tuyến lẫn hậu phương.
Chỉ có thế thôi ư? Không đâu. Hoạt động của đoàn từ tác phẩm đến bản thân người nghệ sĩ còn tác động đến ý thức sáng tác của một số nhạc sĩ trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh miền Nam vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Các nữ diễn viên của Đoàn Văn công Giải phóng chụp ảnh với Nữ tướng Nguyễn Thị Định
Chỉ có thế thôi ư? Không đâu. Hoạt động của đoàn từ tác phẩm đến bản thân người nghệ sĩ còn tác động đến sự hình thành, khởi sắc của nhiều đoàn văn công trong vùng giải phóng, vùng “xôi đậu” tại các tỉnh miền Nam. Chỉ có thế thôi ư? Không đâu. Hoạt động của đoàn từ tác phẩm đến bản thân người nghệ sĩ còn tác động đến tinh thần đấu tranh của người tù chính trị chốn lao tù. Đó chính là nguồn nội lực tinh thần để họ vững tin, tiếp tục đấu tranh trong đọa đày tủi nhục, trong xích xiềng bạo lực. Lời ca tiếng hát ấy đưa họ vượt qua song sắt ngục tù tăm tối bày tỏ khát vọng tự do của người chiến thắng.
Nhìn thấy rõ ý nghĩa to lớn của sự đóng góp này, ta càng thấm thía ý thức: Một khi hạt giống tinh thần, giá trị văn hóa đã thâm nhập vào đại chúng thì cũng có sức mạnh như một giá trị vật chất. Làm sao chúng ta có thể thống kê biết bao nhiêu con người sẵn sàng lao ra tiền tuyến, bền lòng vượt qua gông cùm tù đày từ lời ca tiếng hát, điệu múa, từ lời thoại của kịch nghệ, sân khấu? Chúng ta chỉ có thể cảm nhận. Nói như văn hào Lỗ Tấn chính là: “Từ trong suối chảy ra là nước, từ trong huyết quản chảy ra là máu”. Máu, mồ hôi và nước mắt đã làm nên giá trị của nền văn nghệ giải phóng, trong đó có vai trò tích cực của Đoàn Văn công Giải phóng.
Nếu người lính trên chiến trường cần lời ca tiếng hát, điệu múa… như dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn thì văn nghệ sĩ cũng sống như người lính. Nhà văn Thanh Nghị trong hồi ký “Tháng ngày tôi sống với người cộng sản” (NXB Trẻ - 2015) kể lại lúc tận mắt chứng kiến hoạt động của các diễn viên, nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng: “Các bộ môn này có tính cách chuyên nghiệp, nên cách xếp đặt về lãnh đạo có đôi phần khác. Thủ trưởng thường nắm rất vững nghệ thuật của ngành cũng như đường lối chính sách cách mạng, vì văn công ngoài nghiệp vụ còn phải trau dồi khả năng chính trị. Không chỉ ca và múa hay là được, mà phải ca và múa hay vì cách mạng, vì lòng thương yêu cách mạng, vừa làm nghệ thuật vừa làm cách mạng.
Diễn viên và lãnh đạo Đoàn Văn công Giải phóng chụp hình với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
Chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ chẳng kém phần quan trọng như trên các mặt trận khác. Cái chuyện đi tải gạo, đào chiến hào, sản xuất, công tác quần chúng... là việc phải làm. Có đôi lần, các cô các cậu văn công đã vừa đi trình diễn và vừa đánh giặc; nhiều lần khác vì tình hình khó khăn, một tay múa hoặc một tay đàn vĩ cầm xuất sắc vẫn phải đi tiếp phẩm như thường, tiếp phẩm có nghĩa là đi mua bán thức ăn, mươi bó rau muống, dăm ba ký cá, vài cân mắm chẳng hạn” (tr 286).
Sự tích cực này còn có ý nghĩa, nếu lĩnh vực quân sự tạo ra sức mạnh thống nhất các vũ trang thì các đoàn văn công cũng hướng đến sự chủ đạo trong tư duy: hình thành một dòng chảy của nền văn hóa kháng chiến. Cả hai mặt trận cùng đồng hành hỗ trợ cho nhau.
Có thể khẳng định, vai trò của Đoàn Văn công Giải phóng, tính từ cột mốc 1960 - 1975 đã ứng vào câu thơ “Truyện Kiều”: Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình. 15 năm ấy, ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, Đoàn Văn công Giải phóng đã sống từng ngày, sống mỗi ngày trong tâm thế: “Thời gian ở đây trôi như chảy máu”.
Với vai trò nghệ sĩ - chiến sĩ, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đơn vị chủ lực trong các đoàn văn công đồng hành cùng dân quân miền Nam, xứng đáng được thế hệ sau tôn vinh, ghi nhận là văn nghệ sĩ Anh hùng của một đoàn nghệ thuật Anh hùng.
LÊ MINH QUỐC
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/doan-van-cong-anh-hung_177520.html