"Đói" vốn, "khát" đất
Tại diễn đàn “Nghị quyết 68: Kiến tạo kỷ nguyên vàng cho doanh nghiệp nông nghiệp" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 28/5, ông Đỗ Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc thứ Nhất Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (Hải Phòng) - cho rằng, cần sớm có hướng dẫn để nghị quyết đi vào thực tế, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai.
Từ Nghị quyết 68, doanh nghiệp kỳ vọng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải dành ra 20 ha hoặc 20% đất, (giống như các khu đô thị phải dành đất nhà ở xã hội); giảm 30% tiền thuê đất trong vòng 5 năm.
Doanh nghiệp tư nhân mong được tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất.
Theo ông Hưng, các doanh nghiệp rất phấn khởi trước chính sách cởi trói về đất đai, mong đợi sớm có hướng dẫn chi tiết. “Nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa không có đủ điều kiện tiếp cận đất hoặc trong các khu công nghiệp, thậm chí là cụm công nghiệp. Giá đất trong các khu công nghiệp trong vòng 5 năm qua đã tăng hơn gấp hai lần, đuổi theo mặt bằng giá đất chung. Cách đây 5 hoặc 6 năm, mặt bằng chung có giá khoảng 70-80 USD/m2 thuê đất cho một chu kỳ dự án.
Đến nay, nhiều khu công nghiệp đã bán với mức giá 200 USD/m2, chưa gồm thuế sử dụng đất hằng năm. Như vậy, để doanh nghiệp có đất sở hữu nhà máy trong các khu công nghiệp ngày càng khó khăn”, ông Hưng nói và cho biết đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có đơn hàng, phải thuê nhà xưởng tạm bợ, ở các địa bàn xa.
Là doanh nghiệp thương mại nhỏ, chuyên bán thực phẩm cung cấp cho các chuỗi hệ thống siêu thị, bà Tống Thị Ngân - Giám đốc Công ty CP HAQ Hà Nội - cũng thừa nhận, dù muốn phát triển nhiều sản phẩm mới, nhưng nguồn lực, vốn và đất đai của công ty còn hạn chế.
“Chúng tôi chưa có đủ nguồn vốn để xây dựng kho đảm bảo nhiệt độ, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hoàn hảo, với giá hợp lý nhất. Rất mong Nghị quyết 68 sẽ “cởi trói” về vốn, đất đai, để mắt đến doanh nghiệp nhỏ”, bà Ngân bày tỏ.
Cần gói tín dụng đặc thù cho nông nghiệp
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh - kỳ vọng Nghị quyết 68 tạo ra cơ hội lớn, khi lần đầu tiên xác lập vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp như một lực lượng chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ - bởi xây dựng thương hiệu nông sản Việt ra quốc tế cần cả thời gian, tri thức lẫn nguồn lực lớn.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh.
“Nghị quyết 68 có thể tạo động lực mới bằng việc hỗ trợ kỹ thuật, vốn giống - và cơ chế ưu đãi về đất và thuế trong liên kết vùng. Tôi tin rằng, doanh nghiệp tư nhân có thể tiên phong nếu được trao đúng cơ chế, về chính sách vốn - công nghệ - thị trường.
Doanh nghiệp mong muốn có gói tín dụng trung hạn riêng cho doanh nghiệp nông sản chế biến đặc sản - hữu cơ, tài sản đảm bảo là vùng nguyên liệu liên kết; ưu tiên tiếp cận công nghệ chế biến sâu, bảo quản dài ngày; cơ chế thương mại hóa ưu tiên cho nông sản đặc sản”, bà Hạnh đề xuất.
Với hơn 50 năm gắn bó trong ngành nông nghiệp, Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân - bày tỏ, Nghị quyết 68 được ban hành sẽ mở ra cơ hội phát triển, mở rộng quy mô cho doanh nghiệp tư nhân. Bà Huân nhấn mạnh, để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần triển khai ngay, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường và cạnh tranh.
“Về vốn, doanh nghiệp chúng tôi phải tự thân vận động, không nhận được bất kỳ cơ chế hỗ trợ lãi suất nào. Lãi suất ngân hàng khoảng 6-7%/năm cho ngành nông nghiệp là mức cao. Với lãi suất đó, làm sao doanh nghiệp có thể phát triển và mở rộng ra nước ngoài được.
Tôi có 5 nhà máy, trong đó có nhà máy xử lý trứng sạch, vẫn phải tự thế chấp lấy vốn, chưa bao giờ nhận được một khoản tín dụng ưu đãi nào cho ngành nông nghiệp”, bà Huân nói và đề xuất Nhà nước cần xây dựng chính sách tín chấp đặc thù, từ đó, các doanh nghiệp có thương hiệu và năng lực có thể bảo lãnh đầu ra cho nông dân.
Việt Linh