Doanh nghiệp bất động sản: Mở rộng quỹ đất đón cơ hội mới

Doanh nghiệp bất động sản: Mở rộng quỹ đất đón cơ hội mới
2 ngày trướcBài gốc
Vì vậy, thời điểm này khi thị trường BĐS đang phục hồi tích cực, các DN đang đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng quỹ đất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thị trường hồi phục tích cực
Sau khoảng 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, từ nửa cuối năm 2024 đến nay thị trường BĐS ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các phân khúc; lãi suất cho vay thấp; hoạt động M&A và phát hành trái phiếu BĐS tiếp tục được đẩy mạnh... tạo động lực quan trọng cho thị trường BĐS tăng trưởng.
Thị trường bất động sản đang phục hồi tích cực. Ảnh: Hải Linh
Cụ thể, trong năm 2024 tổng nguồn cung nhà ở trên thị trường đạt trên 81.000 sản phẩm, tăng 50% so với năm 2023. Đáng chú ý, có 65.376 sản phẩm mới, lần đầu ra mắt trên thị trường, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023 - những con số “biết nói” cho thấy thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy mức phục hồi chưa được như kỳ vọng, nhưng đang tạo ra một nền tảng vững chắc cho năm 2025 để bước vào Kỷ nguyên mới.
Đáng nói hơn cả, là niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư đã trở lại, khi nhu cầu mua nhà ở thực ngày càng cao; và làn sóng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cũng tăng mạnh, sau khi Quốc hội, Chính phủ có nhiều cải cách về luật sở hữu nhà ở cho người nước ngoài.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cũng phục hồi mạnh, tăng khoảng 40% so với năm 2023. Tính chung trong cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận trên 47.000 sản phẩm được giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ đạt 72% và tăng gấp 3 lần so với năm 2023.
BĐS khu công nghiệp (KCN) với danh xưng “ngôi sao hy vọng” tiếp tục giữ vai trò chủ lực, nhờ kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh (đạt 31,4 tỷ đô la Mỹ tăng 1% so với năm 2023). Số lượng các KCN cũng không ngừng được mở rộng, khi “cuộc đua” của các chủ đầu tư trước nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương mở rộng/chủ trương đầu tư thêm 28 dự án hạ tầng KCN, với tổng diện tích gần 9.000ha.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động cũng đạt con số ấn tượng, bình quân trên 75%. Trong đó, phía Bắc đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%; phía Nam khoảng 92%. Nhu cầu thuê kho, nhà xưởng xây sẵn tăng mạnh khi ngành thương mại điện tử phát triển “bùng nổ”; tỷ lệ lấp đầy nhà kho xây sẵn đạt khoảng 68% và 87% với nhà xưởng.
Giá thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng cao khi nhu cầu từ dòng vốn FDI tăng trưởng trong bối cảnh nguồn cung vẫn còn khan hiếm, mức tăng trung bình từ 7 - 12%/năm, tùy khu vực. Giá cho thuê đất trung bình đạt 138 USD/m2/chu kỳ thuê tại miền Bắc và 190 USD/m2/chu kỳ thuê tại miền Nam. Đáng chú ý, là giá cho thuê đất KCN bình quân ở Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn, thấp hơn từ 20% so với các quốc gia khác trong khu vực: Singapore (240 - 360 USD/m2/chu kỳ thuê), Indonesia (200USD/m2/chu kỳ thuê), Trung Quốc (177 USD/m2/chu kỳ thuê)...
“BĐS thương mại và bán lẻ tiếp tục có sự ổn định, năm 2024 thị trường được cung cấp thêm 300.000m2 sàn bán lẻ mới, gấp 3 lần năm 2023. Phân khúc BĐS thương mại bán lẻ cao cấp ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh so với các nước khu vực ASEAN nhờ nhu cầu mở rộng của những thương hiệu cao cấp trên nền tảng nhu cầu mua sắm, trải nghiệm dịch vụ, với sự mở rộng của tầng lớp trung - thượng lưu.
Trong khi đó, BĐS nghỉ dưỡng cũng có sự “trở lại” khi toàn thị trường ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ hơn 50%; một số dự án nghỉ dưỡng đã đi vào vận hành, mức giá tăng nhẹ, khoảng 5% so với cùng kỳ” - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho hay.
“Cú hích” từ hành lang pháp lý
Nắm bắt được tình hình phục hồi tích cực của thị trường, các DN BĐS đang tích cực tìm kiếm, mở rộng quỹ đất để chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư mới. Cụ thể, trung tuần tháng 1/2025, Tập đoàn T&T và đơn vị tư vấn đến từ Singapore đề xuất ý tưởng tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không, logistics với diện tích 3.400ha; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh đề xuất nghiên cứu thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen rộng 1.655ha; công ty con của Ecopark vừa ghi trúng đấu giá khu đất vàng gần 43.000m2 tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Trước đó, vào tháng 8/2024, Sun Group cũng đã khởi công dự án đô thị thời đại - Sun Urban City với quy mô 420 ha tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam)...
Lý giải về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, năm 2024 mặc dù chưa được như kỳ vọng, nhưng sự phục hồi của thị trường BĐS là tương đối tích cực, hiệu quả. Quá trình phục hồi diễn ra một cách từ từ nhưng chắc chắn và bền vững, cho thấy việc “đi chậm” nhưng an toàn là cách lựa chọn khôn ngoan của DN BĐS trong bối cảnh hiện nay, điều này không chỉ bảo đảm sự bền vững của thị trường mà còn giúp DN và nhà đầu tư triển khai các chiến lược kinh doanh của mình một cách sáng suốt hơn.
“Nhưng quan trọng hơn cả, tôi cho rằng những yếu tố về pháp lý đang có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS, bởi hàng loạt luật mới sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực thi hành. Cộng hưởng cùng với đó là những cơ chế, chính sách, quyết sách linh động từ Chính phủ trước thực tế thị trường, không chỉ bảo đảm sự bền vững, minh bạch, công bằng của thị trường BĐS; mà còn tạo động lực giúp DN BĐS tự tin hơn trong việc tái - mở rộng đầu tư, đặc biệt hướng vào phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực...” - TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Đồng quan điểm, theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, với “cú hích” từ hành lang pháp lý đã khuyến khích DN BĐS đẩy mạnh mở rộng quỹ đất vì nhiều lý do chiến lược quan trọng. Thứ nhất, bảo đảm nguồn cung cho tương lai, khi quỹ đất là tài sản cốt lõi của DN BĐS, việc mở rộng quỹ đất giúp DN duy trì và phát triển dự án trong dài hạn;
Thứ hai, DN BĐS đang muốn tận dụng chu kỳ tăng giá đất, khi đất đai có xu hướng tăng giá theo thời gian, đặc biệt khi có quy hoạch hạ tầng hoặc kinh tế phát triển, những DN mở rộng quỹ đất sớm sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị này;
Thứ ba, các DN BĐS, đặc biệt là những “ông lớn” trong ngành buộc phải tính đến câu chuyện mở rộng quỹ đất để phục vụ chiến lược phát triển bền vững, DN có quỹ đất lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh, linh hoạt trong chiến lược phát triển dự án mới, đáp ứng nhu cầu thị trường mà không phải phụ thuộc vào bên thứ ba. Đồng thời điều này cũng giúp hạn chế rủi ro biến động thị trường, khi thị trường BĐS biến động, DN có sẵn quỹ đất sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn so với những DN phải đi mua đất với giá cao tại thời điểm nóng sốt...
“Việc mở rộng quỹ đất sẽ giúp DN chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường với nhiều loại hình như nhà ở, kinh doanh thương mại, nghỉ dưỡng, KCN… giúp tối ưu hóa lợi nhuận, giảm phụ thuộc vào một phân khúc duy nhất. Quan trọng hơn, là DN có thể tận dụng chính sách và quy hoạch hạ tầng ở những khu vực có tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị để đón đầu cơ hội tăng giá, thu hút dân cư...” - ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.
Mở rộng quỹ đất là chiến lược quan trọng giúp DN BĐS phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung dài hạn, gia tăng giá trị tài sản theo thời gian. Vì vậy, chiến lược này là điều kiện cần để DN BĐS thu hút nhà đầu tư và đối tác, với quỹ đất lớn, DN sẽ dễ dàng huy động vốn, hợp tác với nhà đầu tư lớn.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Doãn Thành
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-mo-rong-quy-dat-don-co-hoi-moi.html