Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp, TPHCM) trong buổi tư vấn hướng nghiệp tại trường. Ảnh: L.N
Tự tin có việc làm sau tốt nghiệp
L.M.H. (sinh năm 2008, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dù chưa nhận được sự đồng ý từ gia đình nhưng sẽ cố gắng thuyết phục để học trường nghề. H. cho biết, chị họ của em tốt nghiệp trường nghề và đang làm việc tại một doanh nghiệp với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Điều này càng giúp H. tự tin với lựa chọn dự định trong tương lai. “Em thích làm ngành liên quan đến chăm sóc sắc đẹp. Em nghĩ nghề này cần thực hành nhiều hơn lý thuyết và việc học tại trường nghề giúp em có nhiều cơ hội thực tập”, H. chia sẻ.
Dù chưa có ý định theo học trường nghề, T.H.M. (sinh năm 2009, ngụ tại TPHCM) cho rằng, với một số ngành nghề, việc học tại trường nghề giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian đào tạo. “Em nghĩ ở bất cứ trường nào cũng có chương trình đào tạo từ lý thuyết đến thực hành. Nếu bạn nào muốn thực hành nhiều hơn, có thể chọn trường nghề vì hiện nay đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều ký kết với doanh nghiệp, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn”, M. chia sẻ.
Trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhằm tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành đội ngũ lao động trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trên được các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh là gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mãi - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Wepar (TPHCM), khẳng định: Doanh nghiệp đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề. Thực tế cho thấy, nhóm lao động này khi bước vào thị trường lao động làm việc tốt.
Doanh nghiệp gắn kết với nhà trường góp phần tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp và giúp sinh viên hiểu rõ hơn môi trường làm việc sau khi ra trường. Việc định hướng nghề nghiệp và đồng hành cùng người học giúp họ nhận ra sở thích, năng lực bản thân, từ đó chọn đúng nghề, tránh thất nghiệp và lãng phí nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, theo bà Mãi, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều trường và doanh nghiệp chỉ ký kết hình thức, thiếu thực tiễn và không triển khai hiệu quả.
“Việc hợp tác, liên kết với cơ sở đào tạo nghề là cách để doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đây cũng là kênh quảng bá thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy, sự gắn kết này sẽ hiệu quả hơn khi các trường nghề xác định rõ đào tạo theo đúng nhu cầu thị trường lao động”, bà Mãi cho biết.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: L.N
Kết nối chặt chẽ, chi tiết và cụ thể
Dưới góc nhìn của người làm công tác đào tạo, ông Lê Thiên Huy - quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen cho rằng, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là tất yếu. Hiện nay, phương châm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đào tạo học sinh, sinh viên giỏi nghề. Trong khi đó, doanh nghiệp cần tuyển dụng người làm được việc ngay, không mất thời gian đào tạo lại. Do đó, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ những năm gần đây. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thực sự đi vào chiều sâu.
Theo ông Huy, nhiều trường nghề hiện chỉ ký kết mang tính hình thức, chưa thực sự chú trọng nội dung đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Việc đưa sinh viên đi thực tập còn mới mẻ. Riêng Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen đang triển khai mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng thực tế từ doanh nghiệp. Tức là, ngoài việc ký kết, nếu cần thiết, nhà trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Nhà trường cũng linh hoạt thay đổi đội ngũ giảng viên, mời chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp đến giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp công việc thực tế. Nhờ đó, các em không bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng ký kết hợp đồng học tập - làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian với sinh viên, từ đó định hướng rõ ràng lộ trình học nghề và thực hành ngay từ đầu.
“Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp thắt chặt hơn mối liên kết, cần chung tay tạo điều kiện cụ thể, chi tiết, nhằm đạt được mục tiêu sinh viên giỏi nghề do trường nghề đào tạo, khi tốt nghiệp có thể làm được nghề tại doanh nghiệp”, ông Huy nhấn mạnh.
Với góc nhìn chuyên gia đào tạo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM lưu ý: Nhu cầu học nghề và lao động qua đào tạo của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo tay nghề cao còn hạn chế. Quy mô đào tạo tăng nhanh trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng thiếu, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Do đó, đào tạo trung cấp, cao đẳng cần gắn liền với thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Sinh viên cần được chủ động tiếp cận kỹ năng nghề trong quá trình học để khi tốt nghiệp, có thể nhanh chóng thích nghi với công việc thực tế. Người học có chuyên môn tốt sẽ dễ dàng bắt nhịp và hòa nhập với thị trường lao động.
Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 380 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 77 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 181 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo kế hoạch phát triển giáo dục TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố đặt mục tiêu phát triển nhanh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động về số lượng, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
Lâm Ngọc