Cán bộ thuế hỗ trợ người nộp thuế
Doanh nghiệp gặp khó
Số liệu thống kê từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn có 1.141 DN mới thành lập, với tổng vốn đăng ký 2.697,3 tỷ đồng. Số vốn đăng ký này giảm 69% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số lượng DN đăng ký tạm ngừng hoạt động cũng tăng đáng kể với 826 DN và 361 DN giải thể, cho thấy DN vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tại buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh với DN gần đây, một DN chia sẻ, nhiều DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc xoay xở dòng tiền, không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động. Nhiều DN bất đắt dĩ phải lựa chọn việc tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể để giảm bớt các gánh nặng. Tuy nhiên, việc quyết toán giải thể DN gặp khó khăn, mất quá nhiều thời gian, chi phí cơ hội. DN đôi khi rơi vào tình cảnh “không lối thoát”, khi không còn đủ khả năng hoạt động, nhưng cũng khó khăn trong việc "đóng cửa".
Thực tế, để tiến hành giải thể, DN phải trải qua một số quy trình pháp lý, bao gồm thanh toán nợ nần, xử lý hợp đồng với đối tác và khách hàng, cùng với các nghĩa vụ thuế và các yêu cầu báo cáo tài chính khác. Quy trình này thường mất thời gian và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khiến nhiều DN gặp áp lực, nhất là trong giai đoạn gặp khó khăn về dòng tiền.
Với các DN nhỏ vốn đã hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong việc xử lý thủ tục pháp lý, quá trình giải thể không chỉ tốn kém mà còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống của cả chủ DN lẫn đội ngũ nhân sự.
Cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế
Thực tế các khó khăn này chủ yếu xoay quanh câu chuyện DN phải hoàn thành các nghĩa vụ của người nộp thuế.
Theo quy định, DN có trách nhiệm phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trước khi làm thủ tục giải thể. Tuy nhiên, một số người nộp thuế chưa thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 15, Thông tư số 105/2020/TT-BTC về các nghĩa vụ người nộp thuế phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Cụ thể như, người nộp thuế không nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn; không hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ nếu có. Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị phụ thuộc thì toàn bộ các đơn vị phụ thuộc chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
Đại diện Cục Thuế tỉnh chỉ rõ thực tế, một số trường hợp khi cơ quan thuế mời làm việc và yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp tiền thuế còn nợ theo quy định, nhưng do số tiền thuế và tiền phạt chậm nộp quá lớn khiến DN không tiếp tục thực hiện, dẫn đến hồ sơ không thể xử lý. Có trường hợp, sau khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra quyết toán giải thể, DN không thực hiện nộp tiền thuế truy thu, xử phạt về thuế vào ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan thuế chưa thể ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.
Ngoài ra, nhiều DN sau khi nộp hồ sơ quyết toán đã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không thể liên lạc qua số điện thoại đã đăng ký, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc hoàn thiện và xử lý hồ sơ.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho hay, thời gian qua, công tác quyết toán giải thể DN đã được Cục Thuế chú trọng thực hiện nhằm đảm bảo các DN hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế trước khi tiến hành giải thể. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, mà còn đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Ngành thuế cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục quyết toán, từ việc đơn giản hóa hồ sơ đến ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN đúng theo quy định; xác minh và xử lý nhanh các nghĩa vụ thuế giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí, tránh tình trạng quy trình kéo dài không cần thiết. Tuy nhiên muốn thủ tục giải thể DN nhanh, các DN giải thể phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ của người nộp thuế để đảm bảo công bằng, bình đẳng đối với người nộp thuế.
Bài, ảnh: Hoàng Anh