Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Sau đại dịch COVID-19 đến nay, Chính phủ có một số buổi làm việc riêng với các doanh nghiệp, tuy nhiên, cuộc làm việc chuyên đề như thế này thì đây là lần đầu tiên.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần là kinh tế nhân được xác định là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Từ Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII đã được xác định nội dung này; Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng tiếp tục xác định, nhiệm kỳ này tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta.
Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới. Trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường. Các doanh nghiệp, doanh nhân vươn mình, cống hiến, khắc phục hậu quả, đưa nền kinh tế Việt Nam vươn lên đứng thứ 34 trên thế giới theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ mong các doanh nghiệp phát huy tính tự lực, tự cường để cùng nhau vượt qua khó khăn; chúng ta phải có đột phá, bứt phá từ nay đến hết nhiệm kỳ này với thời gian chỉ còn hơn 1 năm; bước sang kỷ nguyên mới vào năm 2030, đất nước tròn 100 năm Đảng Cộng sản lãnh đạo: đất nước phải có những công trình lớn, biểu tượng của đất nước để chào mừng sự kiện lớn này.
Thủ tướng cũng khái quát lại tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa kết thúc thành công có nhiều điểm đột phá: đưa ra các phát triển đột phá, trong đó có đột phá lớn nhất về thể chế - là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; có những công trình biểu tượng, mang tính động lực, dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cả dân tộc; chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội; thích ứng thiên nhiên, thuận thiên trong phát triển; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân cần phát huy khí thế này để phát triển đất nước; tiếp tục tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiên phong trong các đột phá chiến lược, nhất là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
PV. (t/h)