Nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Kết thúc quý I/2025, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng ghi nhận kết quả kinh doanh có nhiều khả quan. Công ty có doanh thu thuần từ dịch vụ bán hàng đạt 361,4 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trong quý I/2025 tăng trưởng so với cùng kỳ (Ảnh: Tạ Hải).
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng tăng hơn 67%, đạt khoảng 183,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp từ báo cáo tài chính riêng của Cảng Hải Phòng ghi nhận mức tăng trưởng tới 81,69%, đạt 158,6 tỷ đồng.
Theo đại diện Cảng Hải Phòng, lợi nhuận sau thuế trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tháng 2/2025, Cảng Hải Phòng ghi nhận khoản tạm ứng cổ tức từ công ty con. Đặc biệt, doanh thu bốc xếp đầu trong tăng và các đơn hàng giá cao được điều chuyển từ công ty con là Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu về khai thác tại chi nhánh Cảng Chùa Vẽ góp phần làm doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024.
Thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy VN, trong 3 tháng đầu năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt hơn đạt 257,889 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng có sản lượng hàng hóa khai thác qua cảng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nên trong 3 tháng đầu năm nay, Công ty CP Cảng Cam Ranh có mức lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý đạt hơn 5,1 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Cảng Đà Nẵng có doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt hơn 369 tỷ đồng, tăng 4,4% so với mức 353,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ, giúp lợi nhuận gộp đạt 142,7 tỷ đồng, tăng 12,8% so với quý I/2024 và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cán mốc hơn 84 tỷ đồng.
Công ty CP đầu tư Cảng Cái Lân cũng có những khởi sắc ngay trong quý đầu tiên của năm 2025. Doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 1,33 tỷ đồng, tăng hơn 114% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng tăng mạnh, lãi sau thuế đạt hơn 1,08 tỷ đồng, tăng 90% so với quý I/2024.
Bức tranh cảng biển "đa sắc"
Tuy nhiên, bên cạnh sự khởi sắc của một số cảng biển, bức tranh tài chính của doanh nghiệp cảng biển vẫn còn những gam màu trầm. Sở hữu hệ thống cảng biển tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi khai thác cảng và logistics của Công ty Cổ phần Gemadept trong quý tăng 271 tỷ đồng, tương đương tăng 27%, lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng lần lượt hơn 120 tỷ đồng và 58 tỷ đồng.
Cùng đó, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng hơn 129 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tăng mạnh từ đóng góp của Cảng Gemalink, Ga hàng hóa SCSC và CJ Gemadept Shipping Holdings.
Thế nhưng, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm do quý I/2025 không phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn. Do đó, lãi sau thuế trong quý của Gemadept trong báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận đạt 527,6 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Công ty CP Cảng Quy Nhơn lại sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước do trong quý, sản lượng hàng hóa thông qua cảng chưa đạt như kỳ vọng.
Theo lý giải của doanh nghiệp, sản lượng hàng hóa thông qua cảng quý I/2025 đạt hơn 2,5 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm 11,2%. Kết quả, lãi sau thuế của Cảng Quy Nhơn trong báo cáo tài chính riêng đạt 24,6 tỷ đồng, giảm hơn 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Theo các chuyên gia, năm 2025, kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn đầy thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bao gồm những tác động từ bất ổn địa chính trị, lạm phát kéo dài ở nhiều quốc gia phát triển, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa.
Chưa kể, sự vươn lên mạnh mẽ của các cảng biển cạnh tranh trong khu vực cũng tạo nên nhiều thách thức cho hệ thống cảng biển Việt Nam để thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ, bốc dỡ hàng hóa.
Hoàng Anh