Doanh nghiệp chủ động phát triển thương mại điện tử

Doanh nghiệp chủ động phát triển thương mại điện tử
3 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp sẵn sàng
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong vài năm gần đây, thị trường TMĐT ở Bình Dương ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số. Cộng đồng DN chủ động các phương thức phát triển TMĐT với tầm nhìn dài hạn.
Ngành công thương tổ chức tập huấn cho các DN
Theo ông Lã Văn Tiến, Trưởng ban Chuyển đổi số Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, TMĐT là một trong những công cụ trực tuyến mạnh mẽ có thể giúp DN phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu. Tuy nhiên, việc phát triển TMĐT cũng sẽ gặp không ít thách thức, nhất là với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đó là hạn chế về kiến thức và kỹ năng số, năng lực cạnh tranh chưa cao, thiếu thông tin thị trường, các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
“Với ngành xuất khẩu gỗ, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cộng đồng DN. Để tăng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh trên sàn TMĐT, các DN cần tạo được chiến lược khác biệt với đối thủ”, ông Lã Văn Tiến chia sẻ.
Hiện nay, một số DN đã tham gia bán hàng qua các nền tảng TMĐT như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan. Các DN gỗ và nội thất Bình Dương có ưu điểm là linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Để tăng mức độ nhận diện và tiếp cận đa dạng tệp khách hàng trên sàn TMĐT, DN đã và đang xem xét, đầu tư một cách bài bản cho hoạt động bán hàng trực tuyến, đa dạng hóa kênh bán hàng trong chiến lược kinh doanh của mình.
Theo Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (Prowin), để thu hút người tiêu dùng, DN nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp mua sắm thông minh, tiện lợi, mang đến nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng, nhờ đó giúp các nền tảng thu hút được lượng lớn khách hàng mới ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sự gia tăng lượng người dùng này tạo ra một thị trường rộng lớn, mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN. Việc tham gia vào các sàn TMĐT giúp DN tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, giảm thiểu chi phí mặt bằng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Sản phẩm giày thể thao PRC của công ty đã được phân phối tại hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Hai năm gần đây, lượng khách trong nước mua sắm trực tiếp giảm. Nguyên nhân là người tiêu dùng thay đổi hành vi, thói quen qua mua sắm online. Kênh online của DN chúng tôi gia tăng tiêu thụ sản phẩm khoảng 20-30%”, ông Nguyễn Quang Vũ chia sẻ.
Các DN cho rằng, để phát triển bền vững thì cần thiết phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT, vì hiện nay phần lớn DN trong nước quy mô còn rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp.
Không gian phát triển mới
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, trong thời gian tới, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đòi hỏi DN cần được đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và DN. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm cần được các DN đầu tư hơn.
Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan triển khai các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh và các sự kiện khác theo đề nghị của Bộ Công Thương. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến: quảng bá hình ảnh sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, giao thương, kết nối doanh nghiệp... trên môi trường trực tuyến; hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh tiếp cận các hoạt động TMĐT; lựa chọn các DN đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, tham gia chương trình “Gian hàng Việt Nam” trên các sàn TMĐT; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm, Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với các sàn TMĐT lớn, uy tín tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, DN, cá nhân mở gian hàng trên sàn TMĐT nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng; phối hợp với các hệ thống bán lẻ/bán buôn TMĐT: Amazon Global Selling, Google, Alibaba …tổ chức các sự kiện kết nối về TMĐT kết hợp khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các sàn giao dịch TMĐT quốc tế nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Theo Kế hoạch số 6238/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng KTS của tỉnh đạt 20% GRDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trên 50%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ TMĐT đạt từ 50% trở lên...
Tiểu My - Cẩm Tú
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/doanh-nghiep-chu-dong-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-a338040.html