Mức thuế đối ứng của Mỹ lên đến 46% mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các ngành đồ gỗ nội thất, dệt may, điện tử, thép, thủy sản… không thể ngồi yên. Ngay trong ngày 3-4, nhiều DN, ngành hàng đã gấp rút tìm cách ứng phó.
Tìm giải pháp ứng phó
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN ngành dệt may, đồ gỗ... cho biết đang tìm giải pháp ứng phó mức thuế cao từ Mỹ.
Theo một DN ngành gỗ, Chính phủ Việt Nam vừa giảm thuế nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ từ 25% còn 0% với hy vọng Mỹ sẽ "nhẹ tay" với thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Nay, thuế xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ có thể lên đến 46% khiến DN gỗ gặp không ít khó khăn. Thị trường nội địa cũng "vạ lây" do đã mở toang cho đồ gỗ các nước.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhận xét: "Thuế suất chung với hàng hóa Việt Nam lên đến 46%, vượt xa mọi kịch bản dự trù và kế hoạch ứng phó của DN. Hiện chưa biết mức thuế cụ thể là bao nhiêu nhưng chắc chắn thuế suất mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn ngành dệt may".
Ngay trong sáng 3-4, Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM đã họp khẩn để thông tin đến các hội viên về mức thuế mới của Mỹ, bàn bạc thống nhất một số kiến nghị, đề xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hội, cho hay qua trao đổi, hầu hết DN dù lo lắng nhưng cũng tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán thành công với Mỹ để có chính sách thuế phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay: "Tôi và nhà nhập khẩu tại Mỹ đã trao đổi thông tin để kịp thời ứng phó. Chúng tôi cố gắng chịu thiệt về phần thuế để giữ thị trường vì trong giai đoạn đầu, nếu tăng giá thì người tiêu dùng sẽ sốc".
Cơ hội để doanh nghiệp thay đổi
Để ứng phó với tình hình mới, một số DN cho biết đang cố gắng xuất khẩu sang Mỹ (bảo đảm hàng tới cảng) trước ngày 9-4 càng nhiều càng tốt và đàm phán với khách hàng về giải pháp chia sẻ, vượt khó thời gian tới. "Có DN sáng nay vừa xuất 10 container đồ gỗ sang Mỹ, dự kiến đúng ngày 9-4 sẽ cập cảng và phải chịu thuế suất cao. DN có khả năng sẽ lỗ nặng đơn hàng này" - đại diện một DN gỗ nêu thực tế.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), hội đang rà soát lại các sản phẩm gỗ, từng ngành hàng, nhóm hàng bị tác động ra sao. Các DN đang mong chờ Chính phủ có giải pháp về vấn đề này và đàm phán song phương với Mỹ.
Ông Nguyễn Đình Tình, Giám đốc Công ty TNHH Cainver - chuyên xuất khẩu gỗ sang Mỹ, cho hay trước sự thay đổi bất ngờ này, DN của ông đang có kế hoạch mới về công nghệ sản xuất, đầu tư vào thiết kế và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gỗ. Công ty sẽ phát triển thêm thị trường khác như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Đông, châu Âu, Nhật Bản thay vì quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
"Đây cũng chính là cơ hội để DN nhận ra rằng cần chuẩn bị về mặt tài chính, như dự trữ tiền mặt, phòng ngừa biến động tỉ giá" - ông Tình nhìn nhận.
Trong khi đó, các DN dệt may cũng đang tích cực làm việc với đối tác Mỹ để tìm giải pháp. Đơn cử, TCM ngay trong sáng 3-4 đã có cuộc họp với khách hàng Mỹ để thông tin tình hình và thương lượng lại chính sách giá, tinh thần là chia sẻ khó khăn cùng nhau.
"Sắp tới, DN buộc phải tiếp tục tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí. Đặc biệt, DN phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu thông qua các hiệp định thương mại như EVFTA" - ông Tùng bày tỏ.
Ông chủ Vina T&T Group thì cho rằng các DN phải tìm ra thị trường có khả năng cạnh tranh chứ không đơn giản là tìm thị trường khác thay thế Mỹ. "Thị trường mới chưa chắc dễ thở hơn" - ông Tùng nêu quan điểm.
Dệt may là một trong những ngành hàng chịu tác động từ mức thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thiết lập các cơ chế linh hoạt
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, với mức thuế cao từ Mỹ, xuất khẩu sẽ sụt giảm, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng sẽ giảm, từ đó tác động đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các DN và cơ quan nhà nước phải nỗ lực tìm mọi biện pháp để ứng phó.
"Các DN và cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do quy mô các thị trường này nhỏ hơn và khó khăn trong việc làm ăn với các đối tác mới" - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
Ông Lê Đăng Doanh lưu ý DN cần chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh mẫu mã sản phẩm và kết nối với các chuỗi giá trị khác để cùng nhau tìm kiếm thị trường. "Các cơ quan nhà nước cần đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp tạm thời như tìm việc làm cho công nhân, điều chỉnh sản xuất để duy trì hoạt động của DN" - ông Doanh nhìn nhận.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng chính sách áp thuế đối ứng 46% của Mỹ có khả năng gây ra những ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Những tác động này đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách và chiến lược ứng phó trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Với quy mô xuất khẩu chiếm hơn 85% GDP, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch - tức tương đương gần 26% GDP, kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi tác động tiêu cực của chính sách thuế mới của Mỹ.
Trong bối cảnh này, chuyên gia của Fulbright cho rằng Chính phủ cần chủ động tiếp cận các kênh đối thoại song phương với Mỹ để tìm kiếm các biện pháp miễn trừ hoặc giảm nhẹ mức thuế áp dụng, ít nhất là đối với một số mặt hàng chiến lược.
Theo ông Tuấn, quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn phát triển tích cực, đặc biệt sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ này để vận động, đàm phán nhằm thiết lập các cơ chế linh hoạt - như quota đặc biệt, ưu đãi thuế tạm thời, hay cam kết cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và lao động. Đây là công cụ ngắn hạn nhưng quan trọng để giảm ảnh hướng đến các DN xuất khẩu.
Đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc
Theo TS Scott McDonald, giảng viên Trường Đại học RMIT, để duy trì khả năng cạnh tranh, DN Việt Nam cần nhanh chóng xem xét lại thị trường, chuỗi cung ứng và chiến lược của mình.
DN có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Mỹ. DN có thể đánh giá liệu sản phẩm của mình có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng nguyên vật liệu để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không; cũng có thể tìm hiểu, thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn thuế quan mới của Mỹ.
Ông NGUYỄN THANH LAM, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt:
Chia đôi mức thuế với đối tác
Thị trường Mỹ chiếm khoảng 50% đơn hàng xuất khẩu gỗ của công ty. Trong đó, nhiều đơn hàng đã được DN nhận tới hết quý III/2025. Thuế áp với Việt Nam mức 46% mới chỉ là mức chung, với từng ngành sẽ có mức thuế riêng và phụ thuộc vào triển vọng đàm phán từ nay tới ngày 9-4.
Ngày 31-3 vừa qua, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với một số hàng hóa từ Mỹ. Thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HScode, vì vậy không có gì lo lắng quá. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh với ngành gỗ Việt Nam, các đối tác làm ăn với DN sẽ chia đôi, mỗi bên chịu một phần. Không đợi đến khi Mỹ đưa ra chính sách áp thuế, DN đang đẩy mạnh đa dạng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh kênh xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành.
Ông VŨ THÁI SƠN - Tổng Giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước:
Hàng thiết yếu không quá lo
Ba tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hạt điều đạt 841 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2024. Trong đó, Mỹ là thị trường số 1 với gần 23% thị phần dù 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sang thị trường này giảm 14,5%.
Tại Mỹ, hạt điều được xếp vào nhóm thực phẩm thiết yếu chung với gạo, đường, thịt, sữa… nên thuế nhập khẩu chỉ 0% và thuế bán lẻ là 0%. Họ chỉ tập trung đánh thuế vào các mặt hàng không thiết yếu như điện tử, dệt may… và những mặt hàng Mỹ có khả năng sản xuất được. Những mặt hàng mà Mỹ cần mà không thể sản xuất thì vẫn nhập khẩu bình thường phục vụ tiêu dùng. Trong tình huống nếu hạt điều bị đánh thuế thì thuế suất dự tính chỉ khoảng dưới 5%.
Nhóm phóng viên