Doanh nghiệp công nghệ số cần xây dựng sản phẩm mang tính đột phá

Doanh nghiệp công nghệ số cần xây dựng sản phẩm mang tính đột phá
5 giờ trướcBài gốc
Tại diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ số không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố quyết định để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và yêu cầu cấp thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự cam kết từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân.
Biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng và những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
Bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra các hạn chế. Trong đó, sự phát triển công nghệ số chưa đồng đều giữa các vùng miền, hạ tầng số còn yếu kém ở nhiều địa phương, tạo ra khoảng cách lớn trong tiếp cận và sử dụng công nghệ. Những thách thức này cần được giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Trên tinh thần của Nghị quyết số 57, được ví như với “khoán 10” trong nông nghiệp, Tổng Bí thư gợi mở, trong giai đoạn tới, ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ. Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.
Tổng Bí thư đề nghị, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu phát triển cao, tăng cường hợp tác quốc tế và đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ số trong việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đặt ra.
"Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là thời cơ vàng để chúng ta khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò dẫn dắt, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện hạ tầng số và xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững.
Những nỗ lực tự cường, tự chủ và phát triển công nghệ chiến lược sẽ là nền tảng quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ số, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên số.
Nguyệt Minh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/doanh-nghiep-cong-nghe-so-can-xay-dung-san-pham-mang-tinh-dot-pha/20250115023244597