Khu công nghiệp Tân Thuận đang được thí điểm chuyển đổi. Ảnh: Duy Hiệu.
Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 24/7, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đã chia sẻ nhiều thông tin về các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Theo ông Hà, từ năm 2021 đến nay, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp do HEPZA quản lý, có khoảng 211 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư đạt 1.532 triệu USD, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng cơ cấu đầu tư sản xuất - kinh doanh tại các khu.
Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) triển khai 71 dự án với tổng vốn khoảng 216 triệu USD; doanh nghiệp trong nước đầu tư 140 dự án công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn hơn 1.316 triệu USD. Điều này cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vai trò trong lĩnh vực này.
Vị này cho biết các ngành công nghiệp hỗ trợ có mức độ thu hút đầu tư cao gồm: Cơ khí (43 dự án), điện tử (14 dự án), nhựa - cao su, phần mềm, dệt may phụ trợ, dịch vụ công nghiệp với tổng vốn đầu tư lớn và tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
"Công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được TP.HCM xác định có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", ông Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, lĩnh vực này vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Trước hết là vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất phù hợp. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, cần mặt bằng sản xuất đặc thù, không thể thuê những lô đất lớn.
"Việc quy hoạch các lô đất nhỏ trong khu công nghiệp hiện nay còn hạn chế; nếu có thì cũng làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng cũng như chi phí dành cho các diện tích phụ trợ", ông Hà lý giải thêm.
Khó khăn thứ hai là việc tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường và tiêu chuẩn quốc tế, khiến khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp còn hạn chế. Đồng thời, thiếu các cơ chế đặc thù dành cho doanh nghiệp nội địa trong các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ lõi cũng khiến chi phí gia nhập thị trường tăng, cản trở sự phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn, đại diện HEPZA cho biết đơn vị đã và đang triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, đơn vị quy hoạch và phát triển phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp mới như KCN Phạm Văn Hai; xây dựng mô hình nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng dùng chung - mô hình cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ chia sẻ không gian và các tiện ích chung, giúp tiết kiệm chi phí.
Trong quy hoạch các khu công nghiệp mới, Ban Quản lý cũng thực hiện chỉ tiêu giao tối thiểu 5% hoặc tối thiểu 20 ha đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhằm giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp này.
Về thủ tục hành chính và chính sách, ông Hà cho hay HEPZA đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết hầu hết thủ tục hành chính tại đơn vị; triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 và 68 của Bộ Chính trị, tập trung đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo nền tảng pháp lý và động lực phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, cải thiện môi trường sản xuất, và xem xét gia hạn thời gian hoạt động cho các khu đang chuyển đổi, bảo đảm điều kiện thu hút nhà đầu tư mới.
Theo ông Hà, TP.HCM đang thí điểm chuyển đổi mô hình 5 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu gồm Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái và Bình Chiểu theo hướng công nghiệp công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường, giảm dần các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên.
"Với định hướng chính sách đúng đắn cùng sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền TP.HCM, các sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ TP.HCM sẽ từng bước khẳng định vị thế không chỉ là mắt xích trong sản xuất mà còn là động lực nâng cao năng lực công nghiệp quốc gia", ông Hà nhấn mạnh.
Thảo Liên