Đặt mục tiêu cao hơn 13%
Năm 2024, nhiều DN ngành da giày có đơn hàng cho các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đã dần hồi phục và có xu hướng tăng vào cuối năm. Trong bối cảnh trên, DN buộc phải tìm cách tái cơ cấu, đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực…để đáp ứng yêu cầu của khách hàng mới và có thể cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại đến từ các nước. Tất cả nỗ lực đã đem lại kết quả đáng ghi nhận cho ngành xuất khẩu da giày khi kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt 1.847,4 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 5,4% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Sản xuất da giày tại Công ty TNHH Đại Hoa (TP.Tân Uyên)
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh cho hay, trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Chính bởi đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng, ngành da giày chịu tác động sớm từ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững của những nhà nhập khẩu. Hiện các thị trường xuất khẩu chủ yếu của các DN da giày đều có mức tăng trưởng cao. Trong đó, thị trường EU chiếm 33,1% tổng số, tăng 19,7% so với cùng kỳ; Mỹ chiếm 29% tổng số, tăng 20% so với cùng kỳ; Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 16,3%; Trung Quốc chiếm 5,7%, tăng 15,6%; Hàn Quốc chiếm 5,6%, tăng 12,1%; Mexico chiếm 2,3%, tăng 10,8%.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vũ, năm 2025, mục tiêu tăng trưởng ngành da giày có thể cao hơn năm 2024. Song để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, DN da giày đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những thị trường xuất khẩu lớn của ngành như: Mỹ, EU, Nhật Bản đang đặt ra yêu cầu rất cao về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các đạo luật của phía EU cũng yêu cầu tính tuân thủ rất cao.
Một thách thức nữa là liên quan đến chi phí. Trong đó, chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh đã là một nguồn lực khổng lồ, hầu như quá sức với các DN vừa và nhỏ, song cùng đó là chi phí đầu vào ngày một cao từ nhân công, nguyên vật liệu, logistics. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ và nghiên cứu phát triển trong DN da giày hiện đang thiếu.
Sản xuất tại Công ty giày TBS (TP.Thuận An)
“Với năng lực còn hạn chế, DN chưa chủ động được công nghệ cho sản xuất mà vẫn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài. DN mong muốn được hỗ trợ tăng lực trong nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ để cải thiện năng suất, giảm chi phí lao động. Tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cũng rất khó khăn khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Đây là bài toán không mới nhưng vẫn chưa có lời giải hữu hiệu của DN da giày trong vấn đề phát triển bền vững và ổn định”, ông Nguyễn Quang Vũ cho biết.
Không thể đứng ngoài xu hướng
Trước những thách thức trên, để khắc phục, bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát cho rằng việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững từ các nhà nhập khẩu ngày càng cao đã tạo nên chi phí rất lớn cho DN. Với nhiều áp lực về nguyên liệu, đổi mới khoa học - công nghệ, phát triển bền vững là xu hướng DN không thể cưỡng của thị trường thế giới. Hiện nay, đa phần khách hàng đều yêu cầu nhà sản xuất đáp ứng tiêu chí phát triển xanh. Để đạt yêu cầu của khách hàng, DN da giày, nhất là DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong phát triển nguồn nguyên liệu sạch, xanh, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, vốn và đào tạo tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Trương Thúy Liên đề xuất ý kiến tại Hội nghị gặp gỡ các DN trong nước do UBND tỉnh tổ chức
“DN mong muốn cơ quan quản lý nhà nước phối hợp cùng các thương vụ, tổ chức phát triển xanh hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, nhà nhập khẩu đúng, trúng và quan trọng là tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ. Cùng đó là giải pháp nâng cao năng lực nội tại cho DN. Sau khi có tiêu chuẩn thống nhất, các cơ quan, tổ chức cần hỗ trợ đào tạo, tư vấn, huấn luyện để áp dụng các tiêu chuẩn, giúp DN có thể nhận được chứng chỉ, đủ điều kiện triển khai đơn hàng. Bên cạnh đó, nhà nước cần có quỹ hỗ trợ DN phát triển xanh, với lãi suất vay ưu đãi và điều kiện tiếp cận phù hợp”, bà Trương Thúy Liên đề xuất.
Với vai trò DN tiên phong trong ngành da giày Bình Dương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TBS Group cho biết, các DN, đối tác châu Âu thường đặt ra quy trình bài bản rất đầy đủ và chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, nhiều DN trong nước chưa quen với cách tư duy quy trình sản xuất phải được thiết kế một cách bài bản, chi tiết, cụ thể, từ khâu đầu cho đến khâu cuối, yêu cầu cao về công nghệ. Để chuyển đổi và bắt nhịp với những yêu cầu của đối tác, DN phải thay đổi cả công nghệ, cả quy trình sản xuất, phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam: Trước yêu cầu hiện nay, các DN không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, cũng như xu thế áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Hy vọng, ngành da giày Bình Dương tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong thời gian tới.
Tiểu My - Cẩm Tú