Doanh nghiệp da giày phải cơ cấu lại thị trường, gia tăng lợi nhuận sản xuất

Doanh nghiệp da giày phải cơ cấu lại thị trường, gia tăng lợi nhuận sản xuất
11 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh đại hội.
Đại hội nhiệm kỳ VIII (2025-2030) của Lefaso đã bầu 35 đại biểu vào Ban chấp hành; 9 đại biểu vào Ban Thường vụ. Đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu ông Nguyễn Đức Thuấn giữ chức vụ Chủ tịch, cùng 6 Phó Chủ tịch. Bà Phan Thị Thanh Xuân tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lefaso.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso Phan Thị Thanh Xuân cho biết, giai đoạn 2019-2024 là thời kỳ kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, rủi ro gia tăng do đại dịch bùng phát trên toàn cầu; căng thẳng địa chính trị leo thang đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến hoạt động của các doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ sự nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp đã duy trì ổn định sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, giai đoạn này ngành công nghiệp Việt Nam nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP,… đã đạt được kim ngạch xuất khẩu cao, giữ vững phong độ là ngành công nghiệp chính góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển, là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới.
Giai đoạn 2025-2030, ngành công nghiệp da giày túi xách Việt Nam tiếp tục tập trung vào các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh,… và mở rộng đến các thị trường mới như châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, đã tác động mạnh đến xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp đang phải tìm cách đối phó để giảm tác động đối với sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
“Hiện mặt hàng giày dép của Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ chịu mức thuế 10%, nếu áp dụng mức thuế lên đến 46%, hàng hóa Việt Nam ở Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng ở thị trường này cũng sẽ giảm chi tiêu. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại thị trường, tìm kiếm các thị trường có mức thuế thấp và nhu cầu tiêu dùng cao như Trung Đông, Ả-rập và châu Phi,… để thúc đẩy hàng hóa, gia tăng lợi nhuận”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi doanh nghiệp da giày phải nâng cấp sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững ngày càng cao từ các nước nhập khẩu. Có như vậy, mới có thể sớm cán đích mục tiêu đề ra.
Đề cập định hướng phát triển sắp tới, Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn cho biết, bước sang nhiệm kỳ VIII (2025-2030), bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, Hiệp hội xác định mục tiêu lâu dài tiếp tục sát cánh hỗ trợ cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động đối thoại với các cơ quan nhà nước, Chính phủ các vấn đề, chính sách liên quan đến ngành thông qua kết nối chặt chẽ với các địa phương và các hiệp hội ngành hàng khác.
Ngoài ra, hỗ trợ hội viên đẩy mạnh xuất khẩu thông qua mở rộng thị trường và thực hiện các chiến lược quảng cáo thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm cũng như cập nhật các thông tin về thị trường có chất lượng để định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được thị trường, kịp thời đưa ra các giải pháp đầu tư, đẩy mạnh phát triển.
HOÀNG ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/doanh-nghiep-da-giay-phai-co-cau-lai-thi-truong-gia-tang-loi-nhuan-san-xuat-post892768.html