Doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục, tiết lộ đã tiếp cận một số 'ông lớn' nước ngoài

Doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục, tiết lộ đã tiếp cận một số 'ông lớn' nước ngoài
một ngày trướcBài gốc
REE đặt mục tiêu lãi hơn 2.400 tỷ đồng
REE đặt kế hoạch doanh thu 10.248 tỷ đồng trong năm 2025, tăng hơn 22% so với năm trước. Nếu đạt được, đây sẽ là lần đầu tiên công ty vượt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 2.427 tỷ đồng, cao hơn gần 22% so với năm 2024 và chỉ thấp hơn mức kỷ lục từng ghi nhận vào năm 2022.
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh nhấn mạnh rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm, công ty cần tiếp tục mở rộng công suất sản xuất và phát triển kinh doanh, coi đây là ưu tiên hàng đầu.
CEO Nguyễn Thị Mai Thanh chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: HL -Vietnambiz
REE tiếp tục duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn, với tổng mức 25% cho năm 2024, gồm 10% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Cụ thể: Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.000 đồng tiền mặt, với ngày thanh toán vào 4/4. Với cổ tức cổ phiếu, mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới. REE dự kiến phát hành thêm gần 70,7 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên trên 5.400 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty duy trì mức cổ tức 25%, khẳng định cam kết đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
REE đề cử ông Ashok Ramachandran (quốc tịch Australia, sinh năm 1980) vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2027, thay thế ông Huỳnh Thanh Hải, người đã nộp đơn từ nhiệm vào ngày 12/2.
Ông Ashok Ramachandran có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý và điều hành doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ. Hiện ông đang giữ vị trí Giám đốc điều hành tại JSW Energy, một trong những công ty năng lượng hàng đầu Ấn Độ.
Trước đó, REE là mã chứng khoán đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt vào năm 2000. Hiện tại, REE hoạt động trong các lĩnh vực: năng lượng, nước và môi trường, bất động sản...
Bán điện cho EVN hay trực tiếp đến người dùng cuối?
Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc bán điện cho EVN hay trực tiếp đến người dùng cuối, CEO Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết các dự án của REE hiện đang được đăng ký bán cho EVN với mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, nhờ suất đầu tư giảm đáng kể so với trước đây, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) vẫn có thể đạt 5-10%, thậm chí có thể tăng thêm vài phần trăm nếu có chiến lược tối ưu.
Bên cạnh đó, một số dự án của công ty đang được điều chỉnh trong Quy hoạch Điện VIII để bán trực tiếp cho khách hàng cuối. Hiện REE đã tiếp cận một số doanh nghiệp nước ngoài lớn, đồng thời các đối tác này cũng chủ động liên hệ với công ty. Các điều kiện cơ bản của hợp đồng đang được giới thiệu và thảo luận.
Có nhiều nhà đầu tư lớn bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng chào giá mua mà chưa cần đầy đủ thông tin chi tiết. REE hiện đang tiếp cận từ 3-5 khách hàng lớn, trong đó có một doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình đàm phán hợp đồng. Các bên đều có nhu cầu: khách hàng cần nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, còn REE cần giải tỏa công suất.
Khi đã có khách hàng cam kết mua điện, công ty mới có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng trong quy hoạch. Ngoài ra, việc chủ động chuẩn bị các điều kiện với ngân hàng cũng là một bước đi quan trọng để đi trước các đối thủ trong ngành.
Về lĩnh vực LNG, CEO Mai Thanh cho biết REE đã nhận được đề xuất góp vốn từ 49-51% vào một số dự án. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị thận trọng xem xét việc hợp tác với đối tác nào để đảm bảo có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Công ty đánh giá kỹ năng lực tài chính, tiêu chí đấu thầu, giá bán điện và khả năng đáp ứng tài chính trước khi đưa ra quyết định.
REE không loại trừ khả năng đầu tư vào LNG, đặc biệt trong mảng cơ điện. Đây là lĩnh vực có khối lượng công việc lớn mà REE có thể tham gia với tư cách nhà thầu.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực trung tâm dữ liệu (DC), công ty chưa có kế hoạch đầu tư cho thuê, mà mới tập trung vào xây dựng hạ tầng. Hiện REE đang xin giấy phép nhưng gặp hạn chế trong việc tiếp cận đối tác cụ thể để triển khai. Giai đoạn này, công ty chủ yếu tham gia với vai trò nhà thầu xây dựng.
Về dự án bất động sản tại Thái Bình, lãnh đạo REE cho biết, doanh nghiệp dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ mảng bất động sản trong năm nay. Đối với các biệt thự tại Thái Bình, công ty sẽ tiếp tục bán để mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.
Về nguồn vốn đầu tư điện, bà Mai Thanh cho biết, theo định hướng chiến lược, REE đặt mục tiêu tăng trưởng công suất 15% mỗi năm. Đến năm 2030, công ty dự kiến phát triển 2.000MW với suất đầu tư khoảng 1,6 triệu USD/MW, đồng nghĩa với việc cần tới 3,2 tỷ USD vốn đầu tư.
Nguồn vốn đối ứng ước tính khoảng 1 tỷ USD, chỉ riêng cho lĩnh vực điện. Công ty có thể cân nhắc phương án chia cổ phiếu để huy động thêm vốn. Mỗi năm, REE cần khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng cho các dự án điện, phần còn lại sẽ được tài trợ bằng vốn vay ngân hàng. Với lợi nhuận dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng/năm, REE có thể tái đầu tư toàn bộ để tiếp tục mở rộng công suất và giữ vững đà tăng trưởng.
A.V
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/doanh-nghiep-dau-tien-tren-san-chung-khoan-viet-dat-muc-tieu-doanh-thu-ky-luc-tiet-lo-da-tiep-can-mot-so-ong-lon-nuoc-ngoai-139473.html