Ảnh minh họa.
Đề xuất triển khai bán vàng miếng trực tuyến
Theo hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP, nhiều đơn vị đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu bổ sung quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động bán vàng miếng trực tuyến kết hợp nhận vàng trực tiếp tại các điểm giao dịch được cấp phép. Theo các đơn vị này, trong bối cảnh các sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi như hiện nay, bản thân các hoạt động nền tảng của tổ chức tín dụng (TCTD) như cho vay, bảo lãnh cũng đã có quy định về “cho vay bằng phương tiện điện tử”, “bảo lãnh điện tử”..., thì việc giao dịch mua, bán vàng bằng phương tiện điện tử là hoàn toàn phù hợp và có thể thực hiện được. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về nội dung này.
Ngoài ra, khoảng 10 ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp (DN) đề xuất NHNN nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm khác để hỗ trợ thanh khoản của thị trường như vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm/cho vay vàng, sàn giao dịch vàng quốc gia... Đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép DN, TCTD có giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài.
Về vấn đề này, NHNN thông tin, sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho NHTM có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng. Đồng thời NHNN sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào Danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa. NHNN cũng khẳng định, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung. Tại dự thảo Nghị định hiện tại, NHNN đề xuất chưa sửa đổi các quy định liên quan đến các phương thức kinh doanh mới liên quan đến vàng miếng.
Đáng chú ý, 2 ngân hàng lớn (Agribank và BIDV) đã đề xuất phát hành chứng nhận sở hữu vàng cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao dịch vàng vật chất. Việc giao nhận vàng có thể được thực hiện trong tương lai căn cứ theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng, được quy định rõ trên Ấn chỉ/Giấy chứng nhận. Về đề xuất này, NHNN cho biết “sẽ tiếp thu và nghiên cứu ban hành hướng dẫn về nội dung này, bao gồm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của TCTD.
Có cần thiết cấp giấy phép nhập khẩu vàng từng lần?
Một số TCTD và DN kinh doanh vàng như MSB, TCB, MBBank và Bảo Tín Mạnh Hải đã đề nghị NHNN làm rõ về quy định từng lần xuất khẩu, nhập khẩu có cần phải xin giấy phép không; hoặc giấy phép từng lần xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng chỉ áp dụng cho DN, TCTD chưa được cấp hạn mức hàng năm. Các đơn vị này kiến nghị “không quy định thủ tục cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu từng lần” hoặc đề xuất bỏ hạn mức hằng năm khi đã áp dụng hạn mức từng lần.
Về góp ý này, NHNN khẳng định, việc xây dựng cơ chế cấp hạn mức hàng năm và cấp giấy phép từng lần là cần thiết để NHNN quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các DN, NHTM đúng mục đích, nhu cầu hoạt động của các DN, NHTM, đồng thời đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.
Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, NHNN thực hiện cấp hạn mức hàng năm cho DN, TCTD theo quy mô vốn điều lệ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của DN, TCTD. Dự thảo Nghị định cũng giao Thống đốc NHNN quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các đơn vị. Trên cơ sở này, các đơn vị thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần.
Thông qua cơ chế báo cáo định kỳ của các DN, NHTM và kiểm tra chéo trên hệ thống Hải quan, đối với trường hợp các DN, NHTM không nhập khẩu hết hạn mức đã được NHNN cấp, NHNN có thể điều chỉnh, thu hồi để phân bổ lại hạn mức còn lại cho các DN, NHTM khác có nhu cầu.
NHNN khẳng định, NHNN dự kiến cung cấp thủ tục hành chính cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng lần theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp tổ chức, cá nhân cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, không làm “tăng áp lực” về thủ tục hành chính, không tạo “rào cản” cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Hoàng Tú