Dệt may Việt Nam xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa: VINATEX
Ngày 14-5, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề Đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ có nhiều thay đổi và đàm phán giữa hai bên vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Theo Vinatex, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may trong 4 tháng đầu năm đạt gần 13,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4, kim ngạch đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15%.
Nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, trong khi thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm do nhu cầu nhập khẩu sợi chững lại, ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Mỹ.
Vinatex dự báo, đơn hàng trong quý 3-2025 sẽ duy trì khả quan nhờ tồn kho hàng hóa tại Mỹ đang ở mức rất thấp - nhiều nhãn hàng chỉ đủ hàng trong vòng 6-8 tuần. Tuy nhiên, quý 4 có thể giảm khoảng 10% do sức tiêu dùng tại Mỹ suy yếu. Cùng với đó, giá điện chính thức tăng từ ngày 10-5 đang làm gia tăng chi phí sản xuất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sợi vốn tiêu thụ nhiều năng lượng.
Một yếu tố rủi ro khác được nhấn mạnh là tiến trình đàm phán thuế với Mỹ hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Trong khi một số quốc gia đã đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump, Việt Nam cùng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn trong quá trình thương thảo. Chính sách thuế quan tiếp tục là ẩn số lớn đối với ngành trong nửa cuối năm.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đề nghị, các doanh nghiệp trong hệ thống cần tận dụng giai đoạn thuận lợi hiện tại để tối ưu hóa lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch cả năm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết chuỗi, sử dụng nguyên phụ liệu trong nước nhằm chủ động ứng phó với các biến động về thuế quan và chi phí sản xuất có thể xảy ra vào cuối năm.
PHÚC VĂN