Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tại châu Âu, với kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn - một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, ngành dệt may Việt Nam là một trong bảy nhóm lĩnh vực chính chịu tác động. Các doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chuẩn của kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn sẽ khó thâm nhập được vào thị trường EU. Với việc các nhà nhập khẩu lớn tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và tiêu chuẩn xanh hướng đến Net Zero (phát thải ròng bằng 0), điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất xanh để duy trì sự cạnh tranh.
Để đáp yêu cầu khắt khe trên, doanh nghiệp dệt may cũng đang tích cực chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi của xu hướng tiêu dùng và yêu cầu xanh hóa của thị trường xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và áp dụng các tiêu chuẩn xanh không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn là yếu tố quyết định để ngành đạt được sự phát triển bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang dần chuyển trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn; trong đó, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã áp dụng thành công các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến như Lean (sản xuất tinh gọn), TPM (quản lý và duy trì thiết bị, máy móc, và quy trình sản xuất trong môi trường công nghiệp), Kaizen (phương pháp cải tiến liên tục) và các công cụ quản lý hiện đại khác.
Những mô hình này giúp doanh nghiệp loại bỏ lãng phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và cải thiện hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường. Như tại các Công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang và nhiều doanh nghiệp khác đã áp dụng công cụ Lean vào sản xuất, mang lại những kết quả ấn tượng.
Cụ thể, nhờ áp dụng Lean, Tổng công ty May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%, giảm tỷ lệ hàng lỗi, và giảm chi phí sản xuất từ 5-10% mỗi năm. Công ty đã và đang từng bước thực hiện công tác số hóa và chuyển đổi số sao cho vừa đáp ứng thời gian báo cáo theo quy định, vừa nâng cao công tác quản trị. Công tác số hóa, chuyển đổi số tiếp tục được nghiên cứu cải tiến đối với từng loại hình kinh doanh, đơn vị hoạt động, quy trình nghiệp vụ.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Bên cạnh việc áp dụng các công cụ năng suất, các doanh nghiệp dệt may cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất. Việc đầu tư vào hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, phần mềm quản lý, và phần mềm thiết kế sản phẩm như Lectra, Gerber và Optitex đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Phía Công ty TNHH May mặc Dony cũng linh hoạt, thích ứng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý, giúp nâng cao năng suất lao động, có nhiều đơn hàng hơn.
Ngọc Trần/BNEWS/TTXVN