Doanh nghiệp dệt may, da giày cải thiện thưởng Tết, hút lao động mới

Doanh nghiệp dệt may, da giày cải thiện thưởng Tết, hút lao động mới
6 giờ trướcBài gốc
Công nhân Tổng Công ty May 10 tập trung sản xuất đơn hàng ngày đầu năm 2025. Ảnh: Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Thời điểm này, nhiều nhiều doanh của cả hai ngành dệt may, da giày đã công bố mức thưởng Tết hợp lý cho người lao động, để tạo động lực cho người lao động cố gắng làm việc cũng như thu hút lực lượng lao động mới.
Đơn cử như, với mức tăng trưởng doanh thu tăng 50%, Công ty TNHH May mặc Dony có mức thưởng cho người lao động từ 1 - 3 tháng lương, tùy từng vị trí. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc cho biết: Đối với những lao động có thành tích trong cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất sẽ được thưởng thêm và công ty cũng quan tâm hơn đến đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa...
Còn Công ty Công ty cổ phần may Sông Hồng Xuân Trường (Nam Định) có mức thưởng Tết cho người lao động là 2 tháng lương bình quân và tiền thưởng sản lượng hàng tháng. Đáng nói, tháng lương bình quân được tính theo công thức lương sản lượng làm ra hàng tháng cộng lại chia 12 tháng. Mức thưởng sản lượng hàng tháng, công nhân cũng được nhận vào dịp Tết Âm lịch 2025 thay vì cắt giảm như năm ngoái.
Tổng công ty May 10 - CTCP có kế hoạch thưởng Tết cho hơn 12.000 lao động với tháng lương thứ 13 bình quân khoảng bằng 1,6 tháng lương. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến hết quý II/2025. Với tình hình khả quan, May 10 quyết định chi hệ số thưởng Tết bằng năm 2024.
Tuy nhiên, năm nay lương, thu nhập của người lao động tăng hơn so với năm 2023 là 8% nên mức thưởng Tết thực nhận cao hơn năm ngoái. Cùng với chính sách thưởng Tết tháng lương thứ 13, May 10 cũng có thêm nhiều chính sách phúc lợi khác. Chẳng hạn như tổ chức Tết xum vầy, hỗ trợ tiền nhà cho công nhân ở xa phải thuê nhà, tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết….
May 10 khẳng định chất lượng vượt trội trong lòng người tiêu dùng. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Chị Nguyễn Thị Hảo, quê Nghê An, có hơn 10 năm làm tại tổ Veston, May 10 chia sẻ, thời điểm này công ty tương đối nhiều đơn hàng. Thưởng Tết được công ty căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong 1 năm và theo thâm niên của từng công nhân. Công ty đã bảo đảm việc làm cũng như thực hiện đầy đủ 100% chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo luật định, nên công nhân yên tâm sản xuất, gắn bó với công ty.
Là ngành có số lượng lao động lớn nên việc chăm lo cho người lao động, trong đó, có thưởng Tết luôn được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chú trọng. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Vinatex đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại; trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024, không có đơn vị nào lỗ trong năm 2024.
“Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Theo các doanh nghiệp, việc doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 hoặc nhiều hơn là thỏa thuận riêng, không có quy định bắt buộc. Tuy nhiên, việc thưởng Tết thỏa đáng sẽ là chất “xúc tác” khiến người lao động trân quý, muốn gắn bó hơn với công ty, doanh nghiệp. Đại diện Công ty Giày Phúc Yên bày tỏ, dù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2024 không thực sự tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố gắng sắp xếp nguồn tài chính thưởng Tết cho người lao động, dự kiến là 1 tháng lương thứ 13.
"Quan tâm, chăm lo là cách hữu hiệu để người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đây cũng là cách VASA duy trì nguồn lực lao động để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi thị trường tốt trở lại”, ông Tuấn nói.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy - Túi Xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết: Để khích lệ người lao động, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiết lộ có kế hoạch thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương. Thậm chí, có doanh nghiệp sẵn sàng thưởng 3 - 4 tháng lương cho người lao động có thành tích xuất sắc, làm tăng ca.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát cho thấy mức thưởng Tết năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước. Một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ... ghi nhận mức thưởng khá, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng.
"Doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào thỏa ước lao động, cải thiện tiền lương và thưởng để giữ chân người lao động trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt", ông Phòng nhấn mạnh.
Để chăm lo đời sống người lao động, theo bà Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, đã thành sự kiện hàng năm, trước thềm năm mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung. Cụ thể là bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như văn hóa - văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả...
Theo kế hoạch có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu cho cả 2 ngành năm 2025 không quá khó khăn. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết quý II/2025, nhưng thiếu lao động có thể xảy ra.
Ông Cao Hữu Hiếu cho hay, có một nghịch lý là năm 2023 lao động rất đầy đủ nhưng đơn hàng thiếu, năm 2024 đơn hàng đủ nhưng lao động thiếu. Có những đơn vị biến động lao động từ 15 - 20%, việc tuyển dụng cũng rất khó khăn, nhất là với lao động có tay nghề. "Năm 2025, tình trạng biến động lao động dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn"- ông Hiếu nhận định.
Ngọc Trần/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/doanh-nghiep-det-may-da-giay-cai-thien-thuong-tet-hut-lao-dong-moi/359739.html