Thoát hiểm nhưng không nhờ may mắn
Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho rằng, năm 2024 ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD có một phần may mắn lớn.
Khi Bangladesh - đối thủ cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam - bất ổn chính trị, nhiều đối tác đã di chuyển đơn hàng ra khỏi quốc gia này và Việt Nam với ưu thế lao động lành nghề, kinh nghiệm cũng như uy tín lâu năm trong sản xuất hàng may mặc đã đón được luồng đơn hàng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước, trong đó có cả thành viên của Tập đoàn đã ‘full’ đơn hàng từ tháng 7-12/2024.
Ông Cao Hữu Hiếu-Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Vinatex
Nói là may mắn cũng không sai, bởi lẽ nửa đầu năm doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn '‘chìm’' trong tình trạng đơn hàng thưa thớt, nói như lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có những doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại sản phẩm để duy trì sản xuất.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn đón được luồng đơn hàng từ Bangladesh, bởi lẽ đây là những đơn hàng cơ bản, đơn vị đầu tư sản xuất sản phẩm cao cấp, thời trang như May 10, Hòa Thọ sẽ không tận dụng được.
Cũng không đón được "niềm may mắn" nhưng ngành sợi năm 2024 có bước chuyển mình đáng kể. Riêng với Tập đoàn ngành sợi chỉ còn lỗ khoảng 10% so với năm 2023, con số tuyệt đối khoảng 100 tỷ đồng. Ông Hiếu nói, ghi nhận nhất là trong khi ngành sợi lỗ nhưng vẫn có những đơn vị lãi. Đây đều là những doanh nghiệp có nền quản trị tốt, có thương hiệu và đặc biệt đã đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới có tính khác biệt từ cách đây 5-7 năm, năm 2024 tung ra sản phẩm và được thị trường chấp nhận.
“Công ty CP Sợi Phú Bài, nghiên cứu sản phẩm sợi từ nguyên liệu tái chế từ năm 2016-2017, trải qua rất nhiều thất bại, đến nay loại sợi này trở thành sản phẩm giá trị cao của doanh nghiệp” - ông Hiếu ví dụ.
Khác biệt, xanh và tốc độ
Sự khác biệt đòi hỏi doanh nghiệp phải có tư duy chiến lược, thậm chí chấp nhận đầu tư lớn trong ngắn hạn và không có thu nhập để phát triển sản phẩm.
Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, quả ngọt cũng đến từ tư duy này khi tháng 7/2024 doanh nghiệp đưa vào vận hành trung tâm phát triển sản phẩm mới. Đây là trung tâm Tập đoàn ấp ủ từ lâu gắn với chiến lược “một điểm đến” khi phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế.
“Thời gian hoạt động ngắn nhưng trung tâm đã có khách hàng lớn đã đặt hàng trong năm 2024 và tiếp tục đàm phán cho đơn hàng năm 2025. Hy vọng từ sự thành công này, trong năm 2025 Tập đoàn tiếp tục đầu tư thêm trung tâm phát triển sản phẩm mới cho ngành sợi”- ông Hiếu cho hay.
Sản xuất sản phẩm mới với đa dạng thành phần gắn với sản xuất xanh giúp doanh nghiệp dệt may chinh phục thị trường. Ảnh minh họa
Ông cũng đồng thời cho biết, ngành sợi nếu ngay từ bây giờ không nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm mới có tính khác biệt theo xu thế xanh, tuần hoàn thì sẽ thua. Những sản phẩm thông thường trong 2 năm trở lại đây cạnh tranh rất vất vả, đặc biệt với thị trường Trung Quốc, thậm chí sẽ không canh tranh được về giá. Phải phát triển những sản phẩm có nhiều thành phần hơn, sử dụng các nguồn nguyên liệu từ bông tái chế.
“Câu chuyện ở đây là tốc độ, nếu không nhanh các đối thủ khác sẽ chào sản phẩm này trước”- lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Được biết, bên cạnh trung tâm phát triển sản phẩm mới, năm vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy, nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới. Vải và quần áo chống cháy là sản phẩm kỳ vọng của Tập đoàn trong năm 2025 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 4 triệu USD.
Dù nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm khác biệt, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia không thể gắn với xu hướng sản xuất xanh, tăng trưởng bền vững.
Thực tế, những năm qua doanh nghiệp dệt may đã bắt nhịp rất tốt với xu hướng này. Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 100% nhà máy sợi đã sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu đầu vào từ bông đều có chứng chỉ xanh, có truy xuất nguồn gốc, tái sử dụng nước… Riêng thiết bị sản xuất, ngoài yếu tố công nghệ hiện đại, doanh nghiệp rất chú trọng tới tiêu hao năng lượng, bởi sản xuất sợi tiêu tốn khá nhiều điện năng.
Như vậy có thể thấy, với ngành dệt may nói chung hay Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng, phát triển theo xu hướng xanh gắn với sự khác biệt là định hướng đúng và đã phần nào được chứng minh. Tuy nhiên, với năng lực nội tại còn nhỏ bé, nhất là thiếu nền tảng quan trọng về nguyên phụ liệu, nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp dệt may còn rất gian nan trên con đường hướng tới làm chủ chuỗi cung ứng.
Để làm được điều này, như ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ nỗ lực của doanh nghiệp là không đủ mà cần sự chung tay từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng chính sách. Trong đó, đặc biệt là sự ổn định chính sách giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển.
Sản xuất sản phẩm với những tính năng cũng như thành phần đa dạng và khác biệt nhằm chinh phục thị trường là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp dệt may tiềm năng. Tuy nhiên, hành trình này không chỉ đòi hỏi vốn mà còn ở cả tốc độ, do đó rất cần sự trợ sức kịp thời từ chính sách.
Hải Linh