Nguồn cung gia tăng, người mua nhà có thêm lựa chọn. Ảnh: Lê Toàn.
Doanh nghiệp sẵn sàng bứt tốc
Thị trường bất động sản được cho là đã vượt qua “điểm đảo chiều” và bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025, được hỗ trợ tích cực bởi nhiều yếu tố gồm hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, nguồn cung gia tăng, tâm lý người mua tiếp tục cải thiện... Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có khả năng tạo giá trị gia tăng tốt cho quỹ đất sẽ chiếm ưu thế.
Là một trong số ít doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại TP.HCM, Công ty cổ phần Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) được đánh giá có nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2025.
Năm qua, Khang Điền đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với giai đoạn 1 dự án Khang Phúc - Khu dân cư Bình Hưng 11A tại huyện Bình Chánh (tên thương mại là The Solina), hiện bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng và dự kiến có thể ra mắt trong năm nay.
Ngoài dự án trên, Khang Điền đang thực hiện nhiều dự án khác như Khu đô thị Green Village tại huyện Bình Chánh, Khu dân cư Tân Tạo tại quận Bình Tân… và hầu hết các dự án này đều đã tương đối sạch về mặt bằng.
Với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG), dù năm 2024 có sự suy giảm về các chỉ tiêu kinh doanh, nhưng chủ đầu tư này có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2025 với một loạt dự án đang triển khai.
Chẳng hạn, dự án Waterpoint tại Long An, phân khu biệt thự liền kề tiếp theo (The Pearl) dự kiến chào bán từ đầu năm 2025 với mặt bằng giá dự báo cao hơn đáng kể so với các đợt mở bán trước. Với dự án Nam Long Central Lake ở Cần Thơ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, Nam Long đã cho ra mắt từ tháng 11/2024 với giá trị presale đợt ra mắt đầu tiên vào khoảng 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khi quy hoạch phân khu C4 tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được gỡ vướng sẽ là cơ sở quan trọng để dự án Izumi City (quy mô 170 ha) khởi động các bước điều chỉnh quy hoạch chi tiết, cập nhật chỉ tiêu hạ tầng xã hội và kinh doanh trở lại từ năm 2025. Đây cũng là điều kiện để Nam Long thông qua các bước pháp lý tiếp theo tại dự án Paragon Đại Phước.
Hay với Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR), sau khi hoàn tất xử lý các nghĩa vụ nợ trái phiếu và đưa cấu trúc tài chính về mức an toàn, trong năm 2024, doanh nghiệp này đã dồn lực hoàn thiện các bước pháp lý cuối cùng tại dự án Khu dân cư Bắc Hà Thanh ở Bình Định. Hiện dự án đã hoàn thành 90% tiến độ hạ tầng kỹ thuật và bắt đầu nhận đặt cọc.
Ngoài ra, Phát Đạt cũng bắt đầu thi công đối với toàn bộ Tổ hợp cao ốc Thuận An 1 và 2 tại Bình Dương, dự kiến có thể triển khai bán hàng từ giữa năm 2025. Với giá bán dự kiến 20-25 triệu đồng/m2, tổ hợp này kỳ vọng đem về gần 10.000 tỷ đồng doanh thu cho Phát Đạt trong những năm tới.
Nhờ mô hình kinh doanh thông qua bán buôn dự án cho đối tác khi đủ điều kiện bán hàng, Phát Đạt có thể ghi nhận sớm lợi nhuận từ các dự án trên, nhanh chóng thu về dòng tiền để triển khai các dự án khác như Cadia Quy Nhơn, Poulo Condor và Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025. Ảnh: Lê Toàn.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã AGG), dự án mới The Gió Riverside tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã hoàn thiện phần lớn các điều kiện pháp lý quan trọng và chủ đầu tư này đã tổ chức lễ khởi công dự án vào tháng 6/2024. Hiện tại, An Gia đã làm việc với các sàn môi giới và dự kiến chính thức ra mắt dự án từ đầu năm 2025.
Ngoài ra, dự án The Lá Village và West Gate 2 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch 1/2000 và thủ tục chấp thuận đầu tư. Trong đó, The Lá Village (quy mô 27 ha) đã có đất thổ cư trên dự án - điều kiện quan trọng cho thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, kỳ vọng có thể bắt đầu đưa vào kinh doanh trong 2 năm tới.
Hành lang pháp lý mới đóng vai trò then chốt
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam, năm 2024 là năm chuyển tiếp giữa giai đoạn cũ và mới của thị trường bất động sản. Đây cũng là năm có những thay đổi quan trọng về hành lang pháp lý và yếu tố này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình quỹ đạo mới của thị trường.
“Ba sắc luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ tháng 1/8/2024 đã tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo của thị trường.
Do đó, năm 2025 được coi là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới”, ông Kiệt nói, đồng thời dự báo, thị trường bất động sản có khả năng phát triển ổn định và bền vững hơn trong năm nay nhờ các yếu tố hỗ trợ như khung pháp lý rõ ràng hơn và kinh nghiệm quý báu của các nhà đầu tư qua các chu kỳ thị trường trước đó. Tuy vậy, để bất động sản quay trở lại thời kỳ vàng son 2018-2019 thì cần thêm nhiều thời gian.
Cùng góc nhìn, ông Marc Townsend - cố vấn cấp cao Arcadia Consulting đánh giá, hành lang pháp lý mới rất quan trọng đối với các nhà phát triển bất động sản và một trong những yêu cầu đó là phải gia tăng tính minh bạch.
“Vì nhiều lý do, thị trường nhà ở Việt Nam đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Điều này dẫn đến sự biến động giá rất mạnh thời gian qua. Bởi vậy, khi hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, các chủ đầu tư có thể để đẩy nhanh triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường, giúp nguồn cung và giá cả trở nên ổn định hơn”, ông Marc Townsend cho hay.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đứng ngoài quan sát thị trường cả năm qua và chỉ bắt đầu chạy nước rút trong những tháng cuối năm nhằm đón sóng phục hồi. Theo đó, nhiều dự án được mở bán, giới thiệu sản phẩm rầm rộ. Khách hàng cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, hướng đến phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực hơn là đầu cơ.
Xét về phân khúc, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, căn hộ chung cư duy trì độ nóng về giá bán và lượng giao trong năm qua. So với quý I/2022, đây là phân khúc duy nhất ghi nhận mức độ quan tâm tăng 4% trong năm 2024, trong khi các loại hình khác đều sụt giảm.
Theo ông Tuấn, chung cư không chỉ là loại hình bất động sản chiếm tỷ trọng quan tâm lớn nhất, mà còn có mức tăng trưởng giá mạnh nhất. Thực tế cũng cho thấy, tại những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, giá chung cư đều đã thiết lập ở mức cao.
Đơn cử, tại TP.HCM, dự án Eaton Park có giá bán từ 130 triệu đồng/m2; The Opus One - Vinhomes Grand Park từ 88 triệu đồng/m2; Masteri Grand View từ 130 triệu đồng/m2; King Crown Infinity từ 120 triệu đồng/m2; The Aurora Phú Mỹ Hưng từ 90 triệu đồng/m2; Thao Dien Green từ 180 triệu đồng/m2; Lancaster Tower từ 250 triệu đồng/m2…
“Dù giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp đều rất cao, nhưng mức độ hấp thụ vẫn khả quan. Chung cư luôn là loại hình đi trước trong các chu kỳ hồi phục của thị trường do hướng tới nhu cầu ở thực. Lượng giao dịch tăng mạnh ở các căn hộ có diện tích nhỏ. Các dự án có lượng giao dịch tốt là dự án đã hoàn thành, pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện, mật độ xây dựng thấp, chủ đầu tư uy tín và có chính sách thanh toán linh hoạt, lãi suất ưu đãi”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Trọng Tín