Văn bản đề ngày 12-11, có con dấu và chữ ký của hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh như: Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, BHD Việt Nam, CJ CGV Việt Nam, Lotte Cinema Việt Nam, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, CJ HK, 89SGROUP, VCCORP.... Nhiều đạo diễn, NSX tên tuổi cũng đã ký vào văn bản này như: đạo diễn Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Thu Trang, Trần Thị Bích Ngọc, Nhất Trung, Hàm Trần, Hoàng Quân...
Văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp điện ảnh có con dấu và chữ ký của nhiều đơn vị, nhà làm phim
Trong văn bản này, các doanh nghiệp điện ảnh Việt nêu, trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng do Chính phủ trình Quốc hội có đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh. Theo các nhà làm phim, đề xuất này là không hợp lý và đưa ra 3 lập luận làm căn cứ.
Thứ nhất, văn bản nhấn mạnh lĩnh vực điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực này. Điều đó đã được cụ thể trong Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, khoản 1 Điều 4, khoản 1 điều 5 của Luật Điện ảnh năm 2022 cũng có những quy định cho thấy quan điểm, nguyên tắc và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh là nhất quán trên tinh thần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành điện ảnh mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định 2156/QĐ-TTg. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh không xin Nhà nước đầu tư về tài chính, không xin đầu tư về cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp một cách ổn định, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
"Nếu Nhà nước không thể giảm thuế thì chúng tôi xin đừng tăng thêm thuế cho người dân khi thụ hưởng các giá trị điện ảnh do chúng tôi phục vụ. Có như vậy, các khoản thuế giá trị gia tăng sẽ không làm cho giá dịch vụ tăng thêm. Từ đó, không những chúng tôi có cơ hội phục vụ đại chúng tốt hơn mà cũng tạo điều kiện cho công chúng có nhiều cơ hội tiếp cận đến các sản phẩm điện ảnh có giá trị", văn bản này nhấn mạnh.
Thứ hai, văn bản nhắc lại những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực điện ảnh. Sau dịch, các doanh nghiệp điện ảnh bắt đầu hoạt động trở lại từ năm 2023 với hy vọng sẽ có cơ hội phục hồi vào những năm 2024 và 2025. Tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (năm liền trước đại dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, bối cảnh kinh doanh của ngành điện ảnh Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhất định do sự thay đổi thói quen của khán giả trong việc hưởng thụ và sử dụng dịch vụ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam. Chắc chắn rằng, ngành điện ảnh chỉ có thể phục hồi được khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành bằng các chính sách thiết thực, đặc biệt là chính sách thuế.
Các doanh nghiệp dẫn chứng, hoạt động điện ảnh trong bối cảnh hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn
Thứ 3, các doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề những thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu không loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch, sức mua của người dân giảm… đang tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp điện ảnh cũng kỳ vọng sau khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào ngày 22-12-2023 sẽ có nhiều chính sách mới để ngành vượt qua được khó khăn, cùng phát triển và cùng có cơ hội góp sức vào thực hiện chiến lược điện ảnh mà Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất của ban soạn thảo là tăng thuế suất từ 5% lên 10%. "Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh, làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc trong khi sức mua của họ đang giảm.
Chúng tôi cho rằng, ở điều kiện thị trường và nền kinh tế phát triển bình thường, việc thay đổi mức thuế suất cần có sự cân nhắc, lập luận dựa trên các căn cứ khoa học, sự phát triển của ngành và sức chịu đựng của người dân", văn bản nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, ngành điện ảnh đang gặp những khó khăn hữu hình và hiện thực, việc thay đổi thuế suất theo hướng tăng lên 2 lần mà không có cơ sở thực tiễn, khoa học sẽ khó thuyết phục được người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay của điện ảnh Việt, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đề nghị thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay).
HẢI DUY