Doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội

Doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội
6 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ảnh: Minh Quang
Phóng viên (P.V): Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tập trung vào những giải pháp trọng tâm, thiết thực nào để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Năm 2024 là một năm mà hầu hết các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Như câu châm ngôn "Không có áp lực thì không có kim cương", trong bối cảnh ấy, Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) đã luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thành công thì động viên, cổ vũ; lúc doanh nghiệp gặp khó khăn thì sẻ chia, tìm cách cùng tháo gỡ. Thường trực Hiệp hội đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; đoàn kết, quyết tâm, dồn sức để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Trong hành trình đầy gian khổ và khó khăn ấy, các doanh nghiệp luôn nhận được sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của các sở, ngành, các huyện, thành phố. Việc chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả cải cách TTHC như một nhân tố quan trọng để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Ninh Bình...
Với sự quan tâm, định hướng, tạo điều kiện về cơ chế chính sách của tỉnh, sự đoàn kết, trách nhiệm của lãnh đạo Hiệp hội và nỗ lực, năng động của đội ngũ doanh nhân Ninh Bình các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng Sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng năm 2024 đạt 8,45%.
P.V: Theo ông, để có kết quả trên, HHDN tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình, HHDN tỉnh từ lâu đã là "ngôi nhà chung", nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tin tưởng gia nhập, tham gia xây dựng Hiệp hội. Hiện toàn tỉnh có gần 8.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, trong đó có hơn 3.000 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình luôn khuyến khích doanh nghiệp tham gia ý kiến vào các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển. Từ năm 2021, HHDN tỉnh được nhận trọng trách mới là cơ quan tư vấn xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Đây được coi là công cụ đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các sở, ngành, huyện, thành phố trong việc thực hiện, xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Đồng thời, Hiệp hội cũng là cầu nối tổng hợp những kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên trình UBND tỉnh tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các buổi tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp theo định kỳ. Qua đó đã tạo niềm tin và thúc đẩy các doanh nghiệp tin vào đường lối, chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2023, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình xếp thứ 19 với 67,83 điểm, tăng 25 bậc so với năm 2022; tăng 39 bậc so với năm 2021, cao thứ 3 sau 18 năm triển khai đánh giá chỉ số PCI. Điều này cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh được nâng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, thủ tục hành chính được cải thiện.
Trên tinh thần dân chủ và bình đẳng, HHDN tỉnh cũng đã tổ chức đoàn đi học hỏi kinh nghiệm "Giao lưu, hợp tác cùng phát triển" giữa các doanh nghiệp Ninh Bình và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa-Ninh Bình và các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Cùng với đó Hiệp hội phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và các doanh nghiệp với mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp với hoạt động cho vay của Ngân hàng, trên cơ sở đó để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp nhằm tăng cường, thúc đẩy, hợp tác tăng trưởng tín dụng khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dây chuyền chế biến dứa đóng hộp của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Anh Tuấn
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, đội ngũ doanh nhân Ninh Bình là lực lượng nòng cốt trong công tác an sinh xã hội. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Với lực lượng hội viên hùng hậu, cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình không chỉ đóng vai trò nòng cốt đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững mà còn là lực lượng quan trọng để đồng hành cùng với tỉnh thực hiện các chính sách về an sinh xã hội. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội", quỹ khuyến học, khuyến tài của tỉnh với số tiền hàng chục tỷ đồng. HHDN tỉnh và các Hội trực thuộc còn có những hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong công tác từ thiện như: Tổ chức tặng quà cho người nghèo ăn Tết; tổ chức thăm hỏi tặng quà người khuyết tật, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh và các quỹ khác... Đây là những hoạt động thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao.
Một số doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu đó là: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành; Tập đoàn ô tô Thành Công; Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH MTV Việt Thắng; Công ty TNHH xây dựng Hùng Oanh Ninh Bình; Công ty xây dựng Xuân Quyền; Công ty Giấy Tiến Dũng; Cty TNHH Xây Dựng 1/5, Công ty Trường Lộc, Khối Ngân hàng Thương mại trong tỉnh...
Đặc biệt, Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đã có những đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo, phòng, chống dịch bệnh thiên tai. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Xuân Thành ủng hộ 10 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh, 3 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, hàng nghìn suất quà cho gia đình chính sách và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, Tết...
P.V: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số toàn cầu, Hiệp hội có những định hướng nào để các doanh nghiệp Ninh Bình phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế ?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu: Tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí giao thông làm động lực, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới nổi gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ.
Trong bối cảnh mới đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp với sự thay đổi và hội nhập toàn diện của tỉnh, của đất nước, chúng tôi xác định cần phải tập trung vào những nội dung trọng yếu: Tiếp tục đồng hành với tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn. Tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tham gia sâu vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; quản trị rủi ro; phát triển kinh doanh bền vững, kinh tế xanh.
Phản ánh, trao đổi thẳng thắn tại các cuộc đối thoại với các cấp ủy đảng, chính quyền những vấn đề còn vướng mắc để cùng tháo gỡ, giải quyết vấn đề để cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ nhau để cùng phát triển, tạo nên những chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước; tạo dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, tiếp tục khơi dậy, động viên cổ vũ tinh thần khởi nghiệp bằng việc thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các huyện, thành phố, các vườn ươm khởi nghiệp. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn để cấp ủy, chính quyền đối thoại với doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (thực hiện)
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan-tiep-tuc-khang-dinh-vai-tro-trong/d2024101016360174.htm