Doanh nghiệp dự báo nhiều kịch bản ứng phó thuế đối ứng

Doanh nghiệp dự báo nhiều kịch bản ứng phó thuế đối ứng
7 giờ trướcBài gốc
Việt Nam bắt đầu tiến hành các bước đàm phán thuế đối ứng với Hoa Kỳ từ ngày 7/5. Nước ta cũng thuộc nhóm 6 quốc gia được Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.
Tại Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, 30% doanh số xuất khẩu đến từ thị trường Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán của thuế đối ứng, chiến lược xuất khẩu của đơn vị này cũng được thay đổi. Thay vì xuất hàng qua nhiều đối tác khác nhau ở từng bang, doanh nghiệp hiện nay làm việc với một nhà phân phối duy nhất cho toàn thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu chia sẻ: "Nhiều chi phí logistic hay chính sách của các bang là khác nhau thì sẽ phải chịu chi phí cao hơn. Còn bây giờ, chúng ta sẽ chọn một bang đông dân nhất của Mỹ, chẳng hạn để cho họ bao quát toàn bộ lại thị trường. Bây giờ cũng chưa biết Mỹ sẽ áp thuế với mặt hàng café của Việt Nam là bao nhiêu? Chúng ta tính toán thì tối thiểu cũng sẽ bị áp thuế 10% vào thị trường này. Vậy thì khi đưa ra chiến lược, cũng sẽ giảm được 10 - 15% chi phí cho từng bang".
Tối ưu chi phí để tăng sức cạnh tranh và bù đắp cho nguy cơ tăng thuế là một trong nhiều giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tận dụng thời hạn 90 ngày hoãn thuế để đẩy nhanh các đơn hàng xuất khẩu. Nhờ vậy, bốn tháng đầu năm 2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, nhiều kịch bản về mức thuế quan cũng được các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đưa ra. Trong đó, dự báo cơ sở là mức thuế đối ứng có thể sẽ được kéo giảm từ 46% xuống còn 20 - 25%.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay: "Nếu chúng ta đàm phán có khả năng kéo giảm thì các quốc gia đang cạnh tranh với chúng ta có khả năng kéo giảm như thế nào? Khả năng bị cao hơn đối thủ cạnh tranh trong khoảng 5% thì làm thế nào chúng ta tăng năng suất, cải tiến tăng hiệu quả hoặc là làm thế nào để tận dụng những cơ chế chính sách mới để có thể trụ vững".
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Chúng ta không quá bi quan nhưng cũng không được chủ quan. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp phải hết sức đồng hành với Chính phủ, với địa phương để đảm bảo đàm phán thành công và thích ứng phù hợp. Trong đó, có một giải pháp rất quan trọng là doanh nghiệp phải tăng tính minh bạch, thứ hai là phải tăng trách nhiệm giải trình".
90 ngày tạm hoãn thuế và thực hiện đàm phán chính là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi, tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, bền vững hơn và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn thương mại toàn cầu.
Hồng Liên
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/doanh-nghiep-du-bao-nhieu-kich-ban-ung-pho-thue-doi-ung-331379.htm