Chiều 13/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một trong các nội dung đáng chú ý nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận là chính sách ưu đãi để cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực này.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước cung cấp khung pháp lý, đầu tư hạ tầng và nguồn lực ban đầu. Thị trường chuyển đổi các kết quả thành sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Xã hội định hình nhu cầu, cung cấp tri thức và giám sát để bảo đảm tính bền vững.
Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật chưa tạo ra một cơ chế liên kết chặt chẽ giữa ba bên. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế đối thoại, phối hợp với sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội.
"Cơ chế này sẽ xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đánh giá hiệu quả chính sách và đề xuất chiến lược, định hướng trong phát triển khoa học," đại biểu nêu.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị dự luật bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn chi phí khi sử dụng dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đây là cơ chế đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp sớm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Media Quốc hội
Cho phép doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tối đa 15%
Cũng quan tâm đến các chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, hiện Nghị định số 95 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Nhà nước phải trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ với mức tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích lập tối đa 10%.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có bước tiến quan trọng khi cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế để bổ sung vốn cho các dự án.
Tuy nhiên, dự thảo luật lần này lại quy định mức trích lập tối đa chỉ là 5%, điều này không phù hợp với tinh thần đổi mới của Bộ chính trị và của Quốc hội. Doanh nghiệp cũng sẽ thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo - vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội
NSNN tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp sẽ tăng lên 70-80%
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo luật và được đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng cho hay, điều này thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển của Việt Nam, theo đó nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của khoa học, công nghệ trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội.
"Nếu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm 3%, trong khi khoa học công nghệ chiếm 1%, qua đó phản ánh rõ vai trò lan tỏa, thực tiễn và mang tính toàn dân của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại. Các đại biểu yêu cầu cần đầu tư thêm cho nội dung đổi mới sáng tạo trong luật, chúng tôi thấy rất đúng, xin được phép tiếp thu hoàn thiện," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên dự thảo luật có một chương riêng để dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của chính doanh nghiệp mà còn được hỗ trợ từ ngân sách thông qua các chính sách tài chính "mồi" của Nhà nước.
"Nếu trước đây, ngân sách Nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%," Bộ trưởng KH&CN nêu rõ.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như là chi phí sản xuất kinh doanh không còn giới hạn mức tối đa.
Trước đây chỉ khoảng 1% doanh thu là được chi cho nghiên cứu phát triển và chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi. Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào các công nghệ chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội
Về góp ý phải có quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động nghiên cứu, Bộ trưởng cho rằng, trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực trong đó; các tổ chức khoa học, công nghệ được cấp tiếp các đề tài nếu chứng minh được hiệu quả của các kết quả nghiên cứu trước đó.
"Chúng tôi cũng đánh giá đây là một điểm mới quan trọng, đó là Bộ Khoa học và Công nghệ phải đo lường được hiệu quả. Trước đây chúng ta chi khoảng 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ, nhưng nói chung chưa được 1%, chỉ vào khoảng 16.000 tỷ đồng một năm, còn bây giờ chi khoảng 50.000 tỷ đồng một năm, thì công cụ đo lường rất quan trọng," Bộ trưởng KH&CN nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, dự thảo luật tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ quản lý bộ máy chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.
Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, tiền Nhà nước có thể chi ra cho nghiên cứu nhưng kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu của tổ chức nghiên cứu. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu là 30% từ phần thu nhập do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.
Kiều Chinh