Khu vực mỏ khai thác cát tại thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn. Ảnh: Phạm Tâm
Khai thác cát ngoài phạm vi cho phép
Liên quan đến vụ việc người dân thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) phản đối doanh nghiệp khai thác cát sỏi, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện phối hợp với UBND xã Đồng Văn và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành đo đạc thực địa khu vực doanh nghiệp đang khai thác.
Qua kiểm tra cho thấy, vị trí mà người dân phản ánh lo ngại sạt lở bờ sông Lam, nằm trong phạm vi ranh giới khu vực được cấp phép khai thác theo bề mặt, tại Giấy phép số 2905/GP-UBND.
Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương (có trụ sở tại Khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác theo Giấy phép số 2905/GP-UBND ngày 10/7/2018 tại các xã Đồng Văn, Võ Liệt, Thanh Chi (Thanh Chương) với diện tích hơn 20ha; trong đó, khu vực được phép khai thác tại xã Đồng Văn rộng hơn 13ha.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có phần diện tích hơn 1.000m² đã được khai thác nằm ngoài phạm vi ranh giới khu vực được cấp phép.
Ngay sau đó, huyện Thanh Chương có văn bản yêu cầu Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương tạm dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ Đồng Văn để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án đã được phê duyệt, đưa khu vực mỏ về trạng thái an toàn.
UBND huyện cũng yêu cầu rà soát, xác định lại các mốc khép góc khu vực khai thác, đồng thời tăng cường cắm mốc giới về phía Bắc khu vực mỏ (giáp đê và đất sản xuất) nhằm thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát.
Huyện Thanh Chương đang giao chính quyền xã Đồng Văn tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp này.
Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền, phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Người dân phản đối doanh nghiệp hút cát vì lo sạt lở bờ sông Lam. Ảnh: Phạm Tâm
Cắt giảm 2ha diện tích mỏ cát
Sau khi nhận được phản ánh của người dân cũng như báo chí, Sở Nông nghiệp và Môi trường (Sở NN&MT) phối hợp cùng Sở Xây dựng, Công an tỉnh Nghệ An, cùng chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, làm việc với người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương thống nhất, cắt giảm diện tích mỏ khoảng 2ha theo giấy phép. Vị trí cắt giảm là khu vực người dân phản đối mấy ngày qua.
Ông Lê Quang Huy, Phó Giám đốc Sở NN&MT Nghệ An ký Văn bản số 1003/STNMT-KS yêu cầu công ty thực hiện nghiêm việc dừng khai thác, thực hiện các biện pháp để đưa khu vực mỏ về trạng thái an toàn. Bao gồm cắm biển cảnh báo, san gạt khu vực moong…
Sở NN&MT Nghệ An cũng đề nghị UBND huyện Thanh Chương tiếp tục chỉ đạo các phòng ban liên quan làm rõ phần diện tích 1.117m² nằm ngoài khu vực mỏ là do khai thác hay do sạt lở, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
Đồng thời, huyện Thanh Chương phải đối chiếu sản lượng khai thác của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương từ ngày 1/1 đến 31/3 để tham mưu các biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật; đồng thời giám sát việc tạm dừng khai thác cát của doanh nghiệp này.
Như Báo GD&TĐ đưa tin, cuối tháng 3/2025, người dân thôn Tiên Quánh khi đi thăm bãi bồi sông Lam thì phát hiện nhiều sà lan đang khai thác sâu vào bãi bồi ven sông.
Lo sợ hoạt động này gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đất sản xuất, đê điều nên người dân địa phương tập trung phản đối, ngăn cản không cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (trú tại thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn) cho biết, trong một tuần trở lại đây, đơn vị khai thác đã tập trung rất nhiều thuyền để khai thác khu vực này. Có hôm từ khoảng 4 giờ sáng, các sà lan đã khai thác, lúc cao điểm có 6 - 7 chiếc tập trung tại khu vực này.
“Người dân phải dựng lều túc trực ngày đêm mất ăn, mất ngủ để giữ đất, rất mệt mỏi. Năm trước, người dân cũng phản đối đơn vị khai thác ở khu vực này. Đơn vị khai thác đã hứa thu hẹp khu vực khai thác, nhưng giờ lại mở rộng khu vực, mức độ khai thác cũng rầm rộ hơn”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Đức, Giám đốc Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương - đơn vị được cấp phép khai thác cát khẳng định, khu vực bãi bồi bị khoét sâu nằm trong phạm vi mỏ, doanh nghiệp chỉ khai thác cát trong ranh giới được cấp phép. Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, cách đây khoảng 10 ngày, trong quá trình hút cát xảy ra sự cố sạt lở ngoài ranh giới, lấn vào bờ khoảng 1 mét.
Vị giám đốc này phân trần thêm, trước đây doanh nghiệp từng bị xử phạt, chính vì thế hiện nay khai thác đúng theo quy định, không dám vi phạm. Việc sạt lở xảy ra tại xã Đồng Văn là “chuyện ngoài ý muốn”.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 900 triệu đồng đối với Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.
Lý do xử phạt là vì doanh nghiệp này hút cát, sỏi lòng sông vượt công suất được cho phép hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên (năm 2020 vượt hơn 211%; năm 2021 vượt gần 209%).
Hành vi này vi phạm điểm c, khoản 5, Điều 41 Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; sửa đổi, bổ sung tại điểm đ, khoản 18, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nghệ An cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp này trong thời hạn 5,5 tháng.
Phạm Tâm