Với hơn 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động tại các doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có tay nghề, khả năng thực hành, phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp “khát” lao động chất lượng cao.
Trường cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh tham gia học nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Toàn tỉnh hiện có hơn 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 251 nghìn lao động, thu nhập trung bình đạt 10,9 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) chỉ chiếm một phần nhỏ với hơn 500 doanh nghiệp, nhưng tạo việc làm cho hơn 131 nghìn lao động.
Hiện nay, có hơn 56% số lao động trong các doanh nghiệp chưa qua đào tạo. Đối với lao động hoạt động trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh, số lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy mới chiếm 21,6% tổng số hơn 10.400 lao động.
Doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, sản phẩm phụ trợ cho ô tô, xe máy có 36,6% lao động đã qua đào tạo trong hơn 10.800 lao động.
Doanh nghiệp điện tử có 10% lao động đã qua đào tạo trên 67.900 lao động; doanh nghiệp dệt may, da giày có 13% lao động đã qua đào tạo trên 54 nghìn lao động…
Mặt khác, thông qua công tác tuyển dụng tại các doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn khoảng cách giữa chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm ở một số ngành nghề, doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động phù hợp.
Là doanh nghiệp chuyên cung ứng và cho thuê lại lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Mansa Việt Nam hiện đang quản lý hơn 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động đang được cho thuê làm việc tại hơn 60 nhà máy, doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh.
Doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng lao động tại Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng
Ông Nguyễn Thanh Trương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Mansa Việt Nam cho biết: “Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn rất cao, nhưng việc cung ứng lao động lại gặp không ít khó khăn.
Bởi nguồn lao động trong tỉnh khan hiếm, tỷ lệ gắn bó với công việc thấp, nếu mở rộng tuyển dụng lao động từ các tỉnh khác thì vấn đề bố trí nơi ăn ở, đi lại cho người lao động chưa đáp ứng nhu cầu.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc hợp tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp, hoặc kết nối sinh viên thực tập chưa hình thành hệ thống, dẫn đến việc tạo nguồn lao động dài hạn gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình làm việc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy thông tin về kế hoạch tuyển dụng thường được đưa ra gấp, mang tính thời điểm, dẫn đến việc doanh nghiệp cung ứng lao động không đủ thời gian chuẩn bị nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân sự cũng như tiến độ sản xuất chung.
Để nâng cao hiệu quả cung ứng lao động, công ty đang triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyển dụng lao động liên tỉnh, liên kết với các nhà trọ, khu lưu trú để hỗ trợ ổn định đời sống người lao động; mở rộng hợp tác với các trường nghề trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng nguồn lực dài hạn…”.
Toàn tỉnh hiện có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhóm ngành đào tạo chủ yếu là điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, quản trị máy tính…
Hiện nay, tỉnh đang áp dụng chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng chương trình chất lượng cao theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ) thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.000 – 20.000 người ở độ tuổi lao động; tổ chức hơn 20 sàn giao dịch việc làm lưu động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm kết nối cung - cầu lao động; tích cực tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông qua mạng xã hội, phối hợp tổ chức các chương trình tuyển dụng việc làm…
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, tích cực thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, thu hút lao động làm việc tại tỉnh.
Năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được gần 28 nghìn lao động, trong đó có 2.000 sinh viên có trình độ cao đẳng, gần 8.400 sinh viên trình độ trung cấp và hơn 17.200 người trình độ sơ cấp.
Năm 2025, quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hơn 41 nghìn người; nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua khảo sát là hơn 26.600 người.
Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, hi vọng “cơn khát” lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm được giải quyết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT - XH.
Hoàng Sơn