Doanh nghiệp "khát" lao động, nhất là lao động có kỹ năng nghề cao
Công ty TNHH Tanaka Precision Việt Nam (KCN Thăng Long II) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên sản xuất linh kiện cho xe máy. Dù thực hiện nhiều giải pháp thu hút nhân lực thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm và các trang mạng xã hội và công khai các chính sách ưu đãi về lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội, nhưng việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ, kỹ năng nghề không phải là chuyện dễ.
Công ty Cổ phần sản xuất và đầu tư Hưng Phát (KCN Minh Đức) là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm nhôm thanh định hình hiện đang tạo việc làm cho trên 200 lao động. Hiện tại, đang vào đang vào mùa cao điểm công ty tuyển lao động để phục vụ các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, với công ty, tuyển dụng lao động phổ thông đã khó, với những vị trí việc làm đòi hỏi trình độ kỹ năng nghề cao, trong đó có vị trí nhân viên kiểm định chất lượng sản phẩm càng khó khăn hơn. Bà Vũ Thị Hồng Loan, phụ trách nhân sự của Công ty cho biết: Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề. Để thu hút lao động, chúng tôi đã công khai các chính sách ưu đãi đối với người lao động, nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp khó.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều phương thức tuyển dụng khác nhau để có công nhân
Những năm qua, tỉnh Hưng Yên như “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 1 khu kinh tế, hàng chục KCN, cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Điển hình như: KCN Liên Hà Thái, KCN Thăng Long II, KCN Phố Nối A... Cùng với tăng trưởng “nóng” trong thu hút các dự án đầu tư thì các khu, cụm công nghiệp trở nên “khát” lao động, cả nhân lực cho các dự án mới và những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cần mở rộng quy mô sản xuất.
Theo dõi hoạt động của các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức cho thấy, thực trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ tay nghề đang là “bài toán” khó ở nhiều ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ và nhóm doanh nghiệp FDI với các dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại.
Nguyên nhân là do việc phân luồng giáo dục - đào tạo chưa thực sự hiệu quả; nhiều gia đình không muốn con em đi học nghề mà chọn con đường học đại học; chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động dẫn đến thiếu hụt nhân lực có chuyên môn phù hợp. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa có chính sách thu hút và giữ chân người lao động kỹ thuật hiệu quả; trình độ công nghệ của thế giới phát triển nhanh, trong khi người lao động chưa kịp thích ứng.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi thực hành nghề
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có khoảng 3,5 triệu người và Hưng Yên đang ở thời kỳ dân số vàng với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%. Đây không chỉ là “nguồn tài nguyên”, mà còn là lợi thế tạo sức hút đầu tư. Hiện tại, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Nhu cầu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sẽ còn tiếp tục tăng cao khi một số khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động và mở rộng quy mô như: Thăng Long II, Liên Hà Thái, VSIP, Dược - Sinh học, Kim Động… Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong thu hút và giữ chân người lao động. Nhưng cũng là thách thức lớn cho tỉnh trong việc tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường để giữ thế cạnh tranh và bảo đảm các chỉ số thành phần về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Lệ Thu