Công ty TNHH Foremart Việt Nam (xã Ân Thi) đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Công ty TNHH Foremart Việt Nam (xã Ân Thi), là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất và gia công sản phẩm may mặc để xuất khẩu. Từ giữa năm 2024, do mở rộng thị trường tiêu thụ, có thêm đơn hàng xuất khẩu nên Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm gần 250 lao động phổ thông với mức lương hấp dẫn và các chế độ đãi ngộ nhưng chưa tuyển được đủ lao động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Foremart Việt Nam cho biết, mặc dù các chế độ đãi ngộ của công ty đã tăng hơn, chính sách thưởng tiền cho công nhân đang làm việc tại Công ty giới thiệu được người mới vào làm việc mức 3 triệu đồng/lượt và 3 triệu đồng cho công nhân mới; tăng lên 2 bữa ăn đặc biệt/tuần cho công nhân. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động vẫn khó khăn.
Công ty Cổ phần Tiên Hưng (địa chỉ tại xã Hoàng Hoa Thám), chuyên gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang có nhu cầu tuyển dụng 200-300 lao động phổ thông.
Công ty Cổ phần Tiên Hưng đang có nhu cầu tuyển dụng 200 - 300 lao động, với mức thu nhập 12,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thập, cán bộ phụ trách nhân sự của công ty cho biết, ngoài mức thu nhập hấp dẫn, công ty còn có thêm nhiều khoản phúc lợi cho người lao động, như hỗ trợ gửi trẻ, chế độ sinh nhật, tham quan nghỉ mát, thưởng các ngày lễ... để thu hút và giữ chân người lao động, riêng tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2025, trung bình 20 – 25 triệu đồng/người nhưng vẫn không có đủ lao động đến ứng tuyển.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tuyển được là do thiếu nguồn lao động. Cùng với đó, hiện nay lao động trẻ có xu hướng muốn được làm việc trong môi trường năng động, thoải mái, sáng tạo, nếu cảm thấy chưa phù hợp là sẵn sàng “nhảy việc” ngay. Điều này khiến không ít doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng nhóm lao động này và có thể dẫn đến sự thiếu hụt lao động, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Anh Phạm Tuấn Anh, xã Long Hưng chia sẻ: "Tôi từng là công nhân nhà máy ở thành phố Hà Nội. Vì hoàn cảnh gia đình nên năm 2024 tôi chuyển về quê sinh sống và làm việc. Ban đầu tôi cũng nộp đơn xin làm công nhân ở một công ty giày da, tuy nhiên cảm thấy mức lương chưa thỏa đáng với sức lao động bỏ ra nên tôi đã quyết định nghỉ việc".
Ngoài khối doanh nghiệp may mặc, các doanh nghiệp sản xuất, tham gia xuất khẩu các ngành hàng khác cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tới kết quả sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Viettinak vẫn đang thiếu hơn 100 lao động phổ thông.
Công ty TNHH Viettinak vẫn đang thiếu hơn 100 lao động phổ thông.
Nhận định về nguyên nhân khó tuyển dụng lao động của doanh nghiệp mình, Bà Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Viettinak, chuyên sản xuất linh kiện cao su (Khu công nghiệp Thăng Long II) cho biết, hiện nay tại khu vực tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận, các khu công nghiệp đang phát triển mạnh. Điều này tạo ra nhiều lựa chọn việc làm cho người lao động, bao gồm cả xu hướng làm công việc tự do. Mặc dù Viettinak đã áp dụng nhiều ưu đãi, cam kết mức thu nhập từ 7 – 15 triệu đồng/người/tháng, nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ lao động cho các vị trí như kiểm hàng và vận hành máy.
Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Nội vụ Hưng Yên cho biết những tháng đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là rất lớn. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử.
6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm, thu hút 348 doanh nghiệp với hàng nghìn người lao động tham gia, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ lao động. Lý giải nguyên nhân này, ông Côn cho biết, do số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều, người lao động có nhiều lựa chọn công việc nhưng thiếu nguồn cung lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp yêu cầu tiêu chí tuyển dụng quá cao, chính sách tuyển dụng không rõ ràng.
Theo ông Côn, để thu hút và giữ chân người lao động, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về vị trí, lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ; thường xuyên đối thoại, thỏa thuận công việc và quyền lợi với người lao động, tạo niềm tin để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp.
Ngọc Bích – Thu Trang