Doanh nghiệp không mặn mà với việc xử lý nước thải để tái sử dụng vì chi phí cao

Doanh nghiệp không mặn mà với việc xử lý nước thải để tái sử dụng vì chi phí cao
3 giờ trướcBài gốc
Ý kiến này được chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước" diễn ra vào ngày 22/10, tại TPHCM.
Hội thảo bàn đến vấn đề hạ tầng xanh, quản lý nước mưa, bảo tồn đa dạng sinh học dưới nước và tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn các giải pháp tái sử dụng nước thải mang lại những lợi ích lớn cả về mặt kinh tế cũng như tiết kiệm nguồn nước. Đối với doanh nghiệp, tái sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế lâu dài, tăng giá trị sản phẩm, duy trì cân bằng môi trường sinh thái với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cũng theo chia sẻ của chuyên gia tại hội thảo, tái sử dụng nước cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường như giảm thiểu ô nhiễm và lưu lượng nước thải đối với nguồn tiếp nhận, xử lý; mang lại lợi ích cho nông nghiệp cũng như sử dụng trong tưới tiêu, tạo cảnh quan.
Tại hội thảo, bà Hoàng Thanh Nga - đại diện WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) Việt Nam - cho rằng: "Xử lý, tái sử dụng nước thải mang lại nhiều hiệu quả về đời sống, môi trường có thể nhận thấy một cách cụ thể. Tuy nhiên hiện một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc tái chế nước, lọc nước đã qua sử dụng để sử dụng lại bởi chi phí sẽ rất cao so với sử dụng nước sạch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, quản lý nguồn nước một cách phù hợp".
Vấn đề xử lý nước thải được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi. Ảnh: Xuân Dự
Chuyên gia môi trường người Nhật Bản Yoshik Hino cho rằng, có thể tái sử dụng nước thải để tưới cây trong khuôn viên doanh nghiệp, sử dụng trong nhà vệ sinh công ty, sử dụng cho sản xuất cũng như tái sử dụng nước thải cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tái sử dụng nước thải để tạo cảnh quan cho công ty bằng cách lưu trữ nước thải đã qua xử lý trong các hồ cảnh quan trong khuôn viên, tạo không khi trong lành, là nơi nghỉ ngơi của người lao động sau thời gian làm việc.
Bàn thêm về vấn đề tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, bà Maria Zand - đại diện TVET Việt Nam (Chương trình hợp tác Việt-Đức 'Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam') - chia sẻ: "Có thể thấy rằng chi phí đầu tư cho xử lý nước thải có thể cao, tuy nhiên chi phí này lại góp phần tiết kiệm nguồn nước đang trở nên khan hiếm, đồng thời lại có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và đời sống người dân. Một doanh nghiệp sử dụng chi phí vì môi trường thì sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ người tiêu dùng, khách hàng cũng như đối tác".
"Trong thời gian qua, Việt Nam có nhiều cam kết trong phát triển xanh, bảo vệ nguồn nước, xử lý, tái sử dụng nước thải. Để công tác này đạt hiệu quả hơn, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực có chuyên môn để vận hành nguồn nước, đảm bảo về thu nhập của họ. Bên cạnh đó cần có những chương trình dành cho người trẻ về vận hành, áp dụng công nghệ đối vận hành nguồn nước, xử lý nước thải", bà Maria Zandt đưa ra giải pháp.
Công nhân xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: MNN
Tại hội thảo, các đại biểu cũng bàn đến giải pháp điều tiết và sử dụng nguồn nước một cách phù hợp giữa một số nơi hay bị ngập do mưa, triều cường, trong khi một số nơi khác thường trong tình trạng khô hạn.
Đồng thời các chuyên gia cũng bàn về vấn đề xử lý nước thải trong chăn nuôi, tránh cho nguồn nước thải này ảnh hưởng đến môi trường cũng như nguồn nước ngầm.
Xuân Dự
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/doanh-nghiep-khong-man-ma-voi-viec-xu-ly-nuoc-thai-de-tai-su-dung-vi-chi-phi-cao-169241022165528694.htm