Doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định giá điện, giá nguyên vật liệu sản xuất

Doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định giá điện, giá nguyên vật liệu sản xuất
9 giờ trướcBài gốc
Ngành dệt may được dự báo sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2025
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp, trong quý II-2025, 2 yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp”và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 51,2% và 50,1%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lớn doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính, lao động, sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu kém, lãi suất vay vốn còn cao hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất…
Để tháo gỡ các khó khăn này, 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay tập trung ở những ngành như: ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 48,6%; ngành sản xuất kim loại với 47,4% và ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 44,8%.
Có 31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu hơn nhằm ổn định giá nguyên vật liệu và giá năng lượng, đặc biệt là việc tăng giá điện liên tục từ tháng 10-2024 đến nay đã gia tăng gánh nặng lên chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kiến nghị tập trung ở các ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 40,7%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) với 35,6%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 35,6%.
Có 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa, tập trung ở một số ngành như ngành sản xuất xe có động cơ với 33,3%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 48,6% với 16,8%; ngành sản xuất kim loại với 32,2%.
Và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tập trung ở một số ngành như ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 34,6%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 32,1%.
Đại diện Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho hay, bên cạnh những khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính cũng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
"Cuộc chiến" chống hàng giả, hàng lậu được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công, thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản tăng cao sẽ tạo thuận lợi cho các ngành sản xuất vật liệu phục vụ cho xây dựng như: xi măng, bê tông, sắt thép... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
“Sản xuất công nghiệp Việt Nam về cơ bản sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2025, dù phải đối phó với thách thức từ thuế quan Mỹ và chi phí toàn cầu. Động lực sẽ đến từ FDI mạnh trong công chế biến chế tạo, chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ - xanh và đầu tư công quy mô lớn. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng cao, các doanh nghiệp và chính sách cần phải linh hoạt, chủ động ứng phó và cải thiện chuỗi cung ứng nội địa”- đại diện Cục Thống kê nói.
V.H
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-can-on-dinh-gia-dien-gia-nguyen-vat-lieu-san-xuat-post616715.antd