Ngày 17/7, tại phường Bình Dương (TPHCM), Sở Công Thương TPHCM tổ chức Tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TPHCM - Từ tiềm năng đến hành động”. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thành phố mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất không gian phát triển với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ trì tọa đàm có ông Nguyễn Lộc Hà - Phó chủ tịch UBND TPHCM.
Tại đây, ông Paek Hee Sung, đại diện của Công ty Kumho Tire Việt Nam, cho biết họ là một trong những doanh nghiệp sản xuất lốp xe chủ lực vừa được sáp nhập vào TPHCM. Công ty sử dụng khoảng 2.500 lao động, sản xuất 14 triệu lốp xe mỗi năm để cung cấp cho thị trường toàn cầu cũng như thị trường nội địa.
Theo ông Paek, với việc sáp nhập các tỉnh vào TPHCM, ngành công nghiệp chủ lực của từng khu vực như dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, logistics tại TPHCM mới đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi quan trọng khi được hợp nhất thành một tổng thể.
“Chúng tôi đánh giá cao các dịch vụ hỗ trợ hành chính của các cơ quan nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, với việc TPHCM chính thức mở rộng, tôi hy vọng có thể thấy sự tăng cường hơn nữa về dịch vụ hành chính thân thiện với doanh nghiệp, như thiết lập một cửa riêng cho doanh nghiệp, đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính”- đại diện Kumho Tire Việt Nam kiến nghị.
Doanh nghiệp kiến nghị cần có một cửa riêng, đơn giản hóa thủ tục
Ngoài ra, theo ông Paek để giúp các ngành công nghiệp chủ lực phát triển một cách hài hòa, cân bằng, cần quan tâm việc nâng cấp hạ tầng công nghiệp như điện, giao thông, logistics; đồng thời mở rộng các chính sách về chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn nhằm bổ sung cho những điểm còn thiếu sót trước đây.
Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết, hiện nay, sau khi hợp nhất TPHCM trở thành một địa phương mới với quy mô lớn hơn, năng lực công nghiệp mạnh hơn và tiềm năng phát triển đa dạng hơn. Sự chuyển mình này đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới trong hoạch định chính sách công nghiệp, không còn chia cắt theo địa giới cũ, mà cần tiếp cận tích hợp toàn diện trong một không gian kinh tế thống nhất.
Theo bà Kim Chi, thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm những vấn đề cốt lõi về tăng trưởng kinh tế. Trước hết là quy hoạch lại công nghiệp đồng bộ, toàn diện trong không gian mới của thành phố.
“Chúng tôi kiến nghị thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2040, trong đó xác định 10 vị trí, vai trò trụ cột của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong cơ cấu công nghiệp và an ninh kinh tế đô thị. Trên cơ sở đó, rà soát, phân vùng và quy hoạch lại hệ thống khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại, bền vững và phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành”- bà Chi kiến nghị.
Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, thành phố cần thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa chính quyền và doanh nghiệp; thành lập tổ công tác công nghiệp theo nhóm ngành, với sự tham gia của các sở, ban ngành liên quan, đại diện hội ngành và doanh nghiệp nhằm phản ứng nhanh với các khó khăn cụ thể, thúc đẩy chính sách sát thực tiễn, đồng thời điều phối hiệu quả việc phân bổ nguồn lực và định hướng đầu tư sau sáp nhập.
Công nhân sản xuất trong nhà máy ở TPHCM.
Với góc nhìn từ thực tế trực tiếp vận hành trong chuỗi giá trị công nghiệp, ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội Dệt may thời trang TPHCM - cho biết: “Việc TPHCM mở rộng lên hơn 6.700 km2, tích hợp cả công nghiệp, đô thị và cảng biển; may ở TPHCM, nhuộm ở Bình Dương, cảng xuất khẩu Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu... là một cơ hội hiếm có để tái cấu trúc vai trò của thành phố trong hệ sinh thái sản xuất quốc gia”.
Theo ông Việt, trong chuỗi giá trị công nghiệp, TPHCM không thể tiếp tục giữ vai trò đơn lẻ như "trung tâm sản xuất cuối chuỗi". Thành phố cần chuyển mình thành trung tâm điều phối chiến lược chuỗi công nghiệp khu vực.
Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần thử nghiệm gói tín dụng xanh riêng cho ngành dệt may, tái cấu trúc mô hình chấm điểm rủi ro dựa trên tiêu chuẩn. Mặt khác xây dựng quỹ bảo lãnh chuỗi xuất xứ, giúp doanh nghiệp nội địa hóa nguyên liệu, truy xuất minh bạch, và tiếp cận thị trường cao cấp.
“Chúng ta nói nhiều về nhu cầu 90.000 lao động sau sáp nhập, nhưng thực tế, tại các nhà máy cho thấy dây chuyển số hóa có, đơn hàng có, mà con người phù hợp lại thiếu. Chúng ta không thiếu lao động nhưng lại thiếu người vận hành máy móc tự động, xử lý dữ liệu, kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế. Công nghiệp thế hệ mới không cần lao động đông mà cần lao động đúng kỹ năng”- Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may thời trang TPHCM nói.
Từ ngày 1/7, TPHCM chính thức hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành một “siêu đô thị” lớn nhất cả nước, với quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) ước đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 23,5% GDP cả nước), vượt xa các địa phương khác.
Hương Chi