Chiều 27/5, Hội thảo "Đầu tư phát triển NOXH: Bối cảnh mới, cơ hội mới" đã diễn ra tại Hà Nội, tập trung làm rõ các điểm nghẽn kéo dài trong phát triển nhà ở xã hội (NOXH) và đề xuất loạt giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH đến năm 2030.
Quỹ NOXH không chỉ dừng lại ở tài chính
Phát biểu tại hội thảo, bà Tống Thị Hạnh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án 1 triệu căn NOXH hiện chưa đạt kỳ vọng do hàng loạt nguyên nhân: tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả, thủ tục phức tạp, chính sách ưu đãi khó tiếp cận, và thiếu quỹ nhà ở cho thuê ổn định.
Về mặt thủ tục, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết nhiều doanh nghiệp không quá bận tâm đến mức lợi nhuận định mức 10%, mà quan tâm hơn đến tốc độ phê duyệt dự án, quay vòng vốn.
Theo đó, một loạt đề xuất cải cách đã được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH như giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, thủ tục không quá 75 ngày (giảm khoảng 200 ngày); bỏ bước lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, thay bằng chỉ tiêu quy hoạch có sẵn, giúp tiết kiệm 65 ngày; bỏ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cắt giảm thêm từ 15–35 ngày; chỉ định thầu rút gọn, giảm đến 105 ngày trong hoạt động xây dựng…
Bà Tống Thị Hạnh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Dự thảo cũng điều chỉnh điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng NOXH. Với người có nhà ở cách xa nơi làm việc trên 30km, sẽ được xét mua hoặc thuê NOXH tại địa phương công tác, tuy nhiên khoảng cách cụ thể sẽ giao cho địa phương quyết định để phù hợp với đặc thù đô thị, miền núi hay nông thôn.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hay cơ quan hành chính, việc thuê NOXH để bố trí cho người lao động, cán bộ được cho phép hạch toán chi phí thuê nhà vào chi phí hoạt động – nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn hiện nay là quỹ đất và chi phí giải phóng mặt bằng. Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách cho công tác này, khiến tiến độ các dự án NOXH bị chậm và chi phí đội lên, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của người thu nhập thấp.
Ở phiên bản dự thảo mới nhất, sau khi tiếp thu ý kiến, Chính phủ không đề xuất Nhà nước hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư nữa. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ được hạch toán chi phí tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào tổng chi phí đầu tư dự án, được tính vào giá bán/giá thuê mua NOXH.
Bên cạnh dự thảo Nghị quyết, Quỹ Nhà ở quốc gia cũng được kỳ vọng sẽ là giải pháp xóa bỏ vấn đề thiếu NOXH.
"Ban đầu, Quỹ Nhà ở quốc gia thiên nhiều về chính sách tài chính, nhưng chúng tôi xác định nó phải làm được nhiều hơn. Quỹ này sẽ là chính sách an sinh xã hội với mong muốn doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư, cá nhân liên quan chung tay tạo quỹ NOXH ổn định", bà Hạnh nêu.
Theo bà Hạnh, điểm đột phá là Quỹ Nhà ở quốc gia chỉ tập trung đầu tư cho thuê, không bán để tạo sự ổn định lâu dài. Với cơ chế cho thuê luân phiên, người dân có thể yên tâm sinh sống lâu dài, và khi đủ điều kiện sẽ nhường lại cho người khác.
Điều này vừa giải quyết tâm lý "sở hữu bằng mọi giá", vừa tránh nguy cơ cạn kiệt quỹ đất nếu chỉ phát triển NOXH để bán như hiện nay.
Loạt "điểm nghẽn" cần được khơi thông
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu NOXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, khiến công tác chuẩn bị đầu tư thiếu đồng bộ.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi của Luật Nhà ở 2023 vẫn chưa đủ hấp dẫn trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công liên tục tăng. Một số địa phương cũng chưa ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, làm chậm tiến độ các dự án và tăng giá thành NOXH.
Vị chuyên gia cho rằng, để chính sách phát triển NOXH đi vào thực chất, địa phương cần xác định rõ nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập trung bình và thấp, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển với các chỉ tiêu cụ thể hàng năm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Ông nhấn mạnh vai trò của các chính sách ưu đãi trong việc thu hút nhà đầu tư và giảm giá thành NOXH.
Chẳng hạn, địa phương có thể hỗ trợ chủ đầu tư vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển với lãi suất 2–3%/năm, hoặc phối hợp với ngân hàng thương mại để cho vay dài hạn (20–25 năm) với lãi suất 3–4%/năm.
"Điều này giúp giảm áp lực chi phí cho cả nhà đầu tư và người dân, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy cung – cầu gặp nhau trên thị trường", ông Khôi phân tích.
Ở cấp trung ương, ông Khôi kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì tổng hợp và đề xuất các giải pháp ổn định, giảm mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc NOXH và nhà ở cho người dưới 35 tuổi.
Ông cũng nhấn mạnh việc siết chặt quản lý thị trường, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, thổi giá, đấu giá bất thường – những yếu tố đang làm méo mó mục tiêu phát triển nhà ở cho người có nhu cầu thực.
Có cơ chế "có thu – có chi"
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập một Quỹ phát triển nhà ở cấp quốc gia, nhằm tháo gỡ nút thắt vốn cho phân khúc NOXH và nhà ở giá phải chăng tại Việt Nam.
Ông cho biết, mô hình quỹ nhà ở tại nhiều nước thành công như Singapore, Hàn Quốc có điểm chung là do Chính phủ chủ trì quản lý và vận hành thông qua một cơ quan chuyên trách.
Quỹ không chỉ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xây dựng dự án mà còn giúp người dân tiếp cận nhà ở thông qua cho vay, bảo lãnh tín dụng hoặc cấp bù lãi suất.
Cơ cấu vốn thường gồm phần "vốn mồi" từ ngân sách nhà nước kết hợp đóng góp từ người dân, doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có một quỹ chuyên biệt cấp quốc gia. Một số quỹ địa phương hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn vốn bổ sung, trong khi các chương trình hỗ trợ nhà ở hiện hành vẫn rời rạc, thiếu tính bền vững.
Điều này góp phần lý giải vì sao sau hơn 2 năm triển khai, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay NOXH mới giải ngân được hơn 2%, còn đề án 1 triệu căn hộ NOXH chỉ đạt 6,2% kế hoạch.
Để khắc phục, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần thành lập quỹ nhà ở hoạt động ổn định, có cơ chế "có thu – có chi", không vì lợi nhuận nhưng đảm bảo thu hồi vốn. Quỹ nên được mở rộng phạm vi, hỗ trợ cả NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ.
Về nguồn vốn, cần làm rõ các khoản đóng góp từ ngân sách, người thụ hưởng, doanh nghiệp và nên bổ sung cả nguồn từ giá trị quỹ đất và hoạt động có thu.
Quỹ cũng cần linh hoạt trong cách thức hỗ trợ và có thể ưu tiên các biện pháp như giải phóng mặt bằng, cấp bù lãi suất, bảo lãnh tín dụng trong giai đoạn đầu.
Nguyễn Hồng Nhung