Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công khai danh sách gần 31.500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên tính đến hết tháng 10.
Đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp chây ì, chậm đóng hàng chục tỷ đồng. Theo đó, đứng đầu danh sách này là Công ty (Cty) cổ phần anh ngữ Apax chậm nộp các loại bảo hiểm với số tiền gần 60 tỷ đồng (chậm đóng 56 tháng).
Cty CP anh ngữ Apax "đội sổ" chậm nộp các loại bảo hiểm với số tiền gần 60 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Tiếp đến là Cty Cổ phần LILAMA 3 chậm nộp hơn 46 tỷ đồng (chậm đóng 116 tháng); Cty CP Cầu 12 nợ hơn 30 tỷ đồng (chậm đóng 89 tháng); chi nhánh Cty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki - NM SX ô tô số 1, Mê Linh nợ hơn 25 tỷ đồng (chậm đóng 148 tháng).
Cty CP Sông Đà 6 nợ hơn 22 tỷ đồng; Cty CP 116 - Cienco 1 nợ hơn 20 tỷ đồng (chậm đóng 163 tháng); Cty CP cơ khí xây dựng 121 Cienco 1 nợ gần 20 tỷ đồng.
Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1 nợ hơn 18,5 tỷ đồng; Cty thi công cơ giới I - CN Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP nợ hơn 17,6 tỷ đồng; Cty TNHH May mặc XK Vit Garment nợ hơn 17,6 tỷ đồng.
Cty CP Eurowindow nợ hơn 14,7 tỷ đồng; Cty CP Cầu 14 nợ hơn 14,6 tỷ đồng; Cty CP xây dựng giao thông và thương mại 124 nợ 14,5 tỷ đồng (chậm đóng 172 tháng); Cty CP công nghiệp xây dựng Toàn Phát nợ hơn 14 tỷ đồng...
Cũng nằm trong danh sách chậm đóng các loại bảo hiểm với số tiền hơn chục tỷ còn có Cty CP khóa Minh Khai; Cty CP bê tông xây dựng Hà Nội; Xí nghiệp Cầu 18- Cienco1; Cty CP Lắp máy điện nước - Licogi; Cty CP giáo dục tư duy và sáng tạo quốc tế CMS; Cty CP lắp máy điện nước và XD 2; Cty CP Tập đoàn FLC; Cty CP ô tô 1-5; Cty CP cơ khí & xây lắp số 7…
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, tình trạng chậm đóng và nợ BHXH đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, với tổng số nợ lên đến hơn 16 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nợ BHXH tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng gia tăng. Qua thanh tra trên cả nước, đã xử phạt 16 tỷ đồng đối với 600 công ty nợ bảo hiểm, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. Luật mới này bổ sung nhiều quy định nhằm quản lý việc thu và đóng BHXH, đồng thời xử lý tình trạng chậm đóng và trốn đóng BHXH, qua đó bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Theo quy định của luật mới, khái niệm về chậm đóng và trốn đóng BHXH được làm rõ hơn. Cụ thể, doanh nghiệp nào nợ BHXH từ 60 ngày trở lên sẽ được coi là trốn đóng BHXH và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 216 Bộ luật Hình sự.
Để xử lý tình trạng này, doanh nghiệp nợ BHXH sẽ phải nộp thêm lãi suất 0,03% mỗi ngày trên số tiền chậm đóng. Bên cạnh đó, các đơn vị chậm hoặc trốn đóng còn có thể bị xử phạt hành chính, không được trao tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phan Thiên