Doanh nghiệp may mặc Huế vẫn khó tuyển lao động. Ảnh minh họa: TTXVN
Sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp may mặc Huế lấy lại được đà tăng trưởng với số lượng lớn đơn hàng xuất khẩu, quy mô sản xuất được mở rộng. Dù đưa ra nhiều chính sách, đãi ngộ thu hút nhưng đến nay việc tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là thành phố Huế) từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ có 46 trường hợp nghỉ việc ở lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp may mặc Huế hiện đã có nhiều đơn hàng hơn cũng như các đơn hàng lớn. Đây là tín hiệu tốt nhưng cũng là bài toán khó đặt ra cho các doanh nghiệp trong khâu tuyển dụng nhân lực.
Từ đầu năm, “cuộc chiến” cạnh tranh tuyển dụng của các doanh nghiệp đã nóng lên. Tính đến ngày 15/2, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Huế là gần 3.200 vị trí việc làm; trong đó, nhu cầu ngành nghề may mặc chiếm tỷ lệ hơn 94%.
Các doanh nghiệp may mặc như: Công ty Scavi Huế, Công ty trách nhiệm hữu hạn MSV, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sơn Hà Huế, Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc AMP - Phong Điền cần từ gần 400 đến hơn 2.000 công nhân may, chuyền trưởng, may công nghiệp, gấp xếp, ủi… Đối với những công việc này, yêu cầu của các nhà tuyển dụng đặt ra tương đối thấp, từ lao động phổ thông (chiếm đa số) đến sơ cấp nghề.
Mở rộng quy mô sản xuất, trong tháng 2/2025, Công ty Scavi Huế đặt ra mục tiêu tuyển dụng 2.080 lao động ở nhiều lĩnh vực từ công nhân may, may học nghề đến kỹ thuật phát triển (quy trình may), quản lý sản xuất. Trong đó, 2.005 vị trí chỉ yêu cầu lao động phổ thông với mức lương khởi đầu trên 8 triệu đồng.
Công ty cũng đưa ra nhiều chính sách thu hút, giữ chân người lao động như tăng lương thực nhận bình quân, hỗ trợ con nhỏ, thưởng lên đến 3 triệu đồng/thành viên sau khi ký hợp đồng chính thức hay thưởng tiền cho “đại sứ tuyển dụng” khi người lao động giới thiệu công nhân may vào làm việc tại công ty…
Dù các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, tăng mức lương đầu vào nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ tiêu tuyển dụng ở các doanh nghiệp vẫn chưa thể đạt, thậm chí đạt thấp. Tại phiên giao dịch của Tháng việc làm, lượng lao động nộp hồ sơ xin việc làm chỉ đếm trên đầu ngón bàn tay.
Lao động ngành nghề may mặc ở thành phố Huế không ít nhưng nhiều người không mặn mà với công việc ở nhà máy. Chị Nguyễn Thị Uyên (phường Vĩ Dạ, quận Thuận Hóa) cho biết: Tuy biết làm việc ở các công ty may mặc sẽ có nhiều đãi ngộ, hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chị vẫn lựa chọn mở quầy may riêng vì có thể chủ động thời gian, thoải mái chăm sóc gia đình. Mặt khác, chị có thể linh động nhận nhiều đơn hàng nhỏ, nâng cao thu nhập tương đương mức lương 8-9 triệu mà các công ty đang chi trả.
Thực tế nguồn nhân lực tại Huế hiện đã bão hòa, số người lao động địa phương không tăng dù có nhiều lao động di cư trở về sau dịch. Lao động có xu hướng “nhảy” việc khi gặp chính sách đãi ngộ tốt hơn ở công ty khác; gây nhiều biến động trong công tác nhân sự ở các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp may mặc lần lượt ra đời, mở rộng nhà máy sản xuất khiến bài toán tuyển dụng lao động lại càng trở nên khó khăn hơn.
Phụ trách Phòng Quản trị thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Huế Bùi Khanh cho hay, hầu hết các công ty may mặc trên địa bàn đều có nhu cầu tuyển dụng liên tục, quanh năm để có sẵn nguồn lao động dự bị. Bên cạnh việc kết nối qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp cũng lên phương án đến từng địa bàn xã, huyện để trực tiếp tìm kiếm, tuyển dụng lao động.
"Lao động phổ thông sau khi được tuyển dụng sẽ được doanh nghiệp đào tạo tay nghề phù hợp vị trí việc làm. Trong thời gian này, họ vẫn được hưởng các chế độ lương bổng, đãi ngộ. Do đó, từ đào tạo một lớp với 5 học viên trong năm 2024, nay Trung tâm không còn mở lớp đào tạo ngành dệt may nào nữa", Ông Bùi Khanh chia sẻ.
Với cung không đủ cầu kéo dài, mục tiêu tuyển dụng được khoảng 4.000 lao động trong quý I/2025 của các doanh nghiệp may mặc Huế sẽ khó có thể hoàn thành. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần có phương án điều chỉnh, thay đổi phương thức tuyển dụng để đảm bảo hiệu quả sản xuất và tiến độ thực hiện các đơn hàng trong năm nay.
Mai Trang/TTXVN