Doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản gặp thách thức rất lớn khi giá đất tăng cao. Ảnh: Hoàng Anh.
'Ngỡ ngàng' với giá nhà đất
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim chưa bao giờ chứng kiến giá nhà đất tăng đột biến như hiện nay.
Theo ông, giá nhà leo thang không chỉ khiến người dân khó tiếp cận nhà ở mà ngay cả những doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cũng bất ngờ.
Các doanh nghiệp buộc phải đưa ra mức giá bán cao, bởi chính họ cũng đối mặt với những thách thức lớn từ chi phí tăng. Tại Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 5 nhiệm kỳ V của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Cây cho biết, trong khi nhiều quốc gia có thể dự tính lợi nhuận từ đầu nhờ giá đất được xác định rõ, các doanh nghiệp tại Việt Nam lại khó làm điều này vì những chi phí phát sinh trong quá trình triển khai.
Hơn nữa, thời gian chấp thuận đầu tư kéo dài, gây trở ngại lớn cho nhà đầu tư.
Chi phí phát triển, chi phí phát sinh, chi phí vốn và lãi vay đều gia tăng, khiến giá bất động sản bán ra cũng phải tăng theo. "Nhiều địa phương không dám ký chấp thuận đầu tư, khiến doanh nghiệp chờ đợi mệt mỏi, thời gian triển khai bị kéo dài," ông Cây chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, để bù đắp các chi phí này, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán bất động sản. Nếu Chính phủ không sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, gánh nặng này cuối cùng sẽ đổ lên vai người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, càng khó có cơ hội sở hữu nhà ở.
Theo ông Cây, giá bất động sản tăng cao là vấn đề đáng lo ngại. "Đó hoàn toàn là giá ảo, bị thổi phồng bởi các nhóm đầu cơ, gây ra tình trạng méo mó thị trường và thiệt hại lâu dài cho người dân," ông nhận định.
Nhà ở xã hội cũng than khó
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội đang gặp phải những thách thức lớn. Thủ tục đầu tư kéo dài không chỉ làm tăng chi phí mà còn gây khó khăn trong việc cung ứng nhà ở cho thị trường.
Bà Mẫu cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc này để đưa thêm nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết dù ba bộ luật mới liên quan đến thị trường bất động sản đã được ban hành, với nhiều quy định cởi mở hơn về nhà ở xã hội, các dự án vẫn gặp trở ngại về thủ tục pháp lý, nguồn vốn và các chính sách liên quan đến đối tượng được mua nhà ở.
Ông Tuấn nhận định, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cần một cuộc cách mạng về công nghệ trong xây dựng. Gần đây, Hoàng Quân đã đăng ký với Chính phủ xây dựng 50.000 căn nhà ở xã hội, tương đương với 50 dự án, trong thời hạn khoảng sáu năm. Điều này đòi hỏi trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải hoàn thành sáu dự án.
Với quy trình cũ, một tòa nhà xã hội 24 tầng mất đến hai năm để hoàn thiện, nhưng công nghệ mới có thể giúp giảm thời gian xuống còn một năm. Tương tự, với nhà ở công nhân năm tầng, thay vì một năm, các công nghệ mới có thể giúp hoàn thành trong bốn tháng.
Ông Tuấn cho biết thêm, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản đã áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến. Ông hy vọng Bộ Xây dựng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới, giúp quá trình xây dựng nhà ở diễn ra nhanh, gọn, chất lượng và giá thành thấp hơn.
Về mặt tài chính, ông Tuấn đề xuất Việt Nam cần học hỏi các nước khác trong việc thành lập các quỹ an sinh xã hội, từ đó huy động nguồn vốn rẻ và bền vững để phát triển nhà ở xã hội. Điều này sẽ giúp thúc đẩy đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở trong bối cảnh giá bất động sản đang leo thang.
Phương Linh