Sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2023 - 2024 của ngành mía đường Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu tấn, tăng 17,9%
Nhiều doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận giảm
Kế hoạch niên độ tài chính 2024 - 2025 (từ 1/7/2024 đến 30/6/2025) của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã LSS) là đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 0,3% và lợi nhuận trước thuế 145 tỷ đồng, tăng 0,9% so với mức thực hiện niên độ 2023 - 2024. Trong cơ cấu doanh thu của Lasuco, ngành đường dự kiến chiếm tỷ trọng 89 - 93%, ngành lúa gạo và nông nghiệp công nghệ cao chiếm 3 - 4%, ngành đồ uống chiếm 3 - 4%, một số lĩnh vực khác chiếm 2 - 3%.
Ông Lê Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco cho biết, mía đường là ngành có tính chất mùa vụ, mỗi niên vụ thu hoạch và sản xuất trong vòng 120 ngày, nên doanh nghiệp cần đa dạng hóa ngành nghề. Tuy nhiên, mía đường vẫn luôn là ngành nghề chính, mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn nguyên liệu sản xuất từ mía, Công ty sẽ đẩy mạnh nhập khẩu đường thô phục vụ chế luyện nhằm tối đa hóa doanh thu và nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trong quý I niên độ 2024 - 2025, Lasuco đạt 481,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 2,2%; giá vốn hàng bán tăng 1,6%; lợi nhuận gộp tăng 6,7%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 18,4%; lợi nhuận sau thuế 22,9 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) đặt mục tiêu niên độ 2024 - 2025 đạt doanh thu 26.168 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,3% và 1,3% so với niên độ trước. Niên độ 2023 - 2024, TTC AgriS đạt doanh thu 29.021 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 912,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 805 tỷ đồng, tăng 33%; sản lượng tiêu thụ đường trên mốc 1 triệu tấn năm thứ năm liên tiếp.
Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS), doanh nghiệp này đặt mục tiêu niên độ tài chính 2024 - 2025 đạt doanh thu 1.097 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 71% so với cùng kỳ niên độ 2023 - 2024.
Trong 3 tháng đầu niên độ tài chính mới (1/7 - 30/9/2024), Mía đường Sơn La ghi nhận 178,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 59%; lợi nhuận sau thuế 83,9 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ niên độ trước.
Với Công ty cổ phần Đường Kon Tum (mã KTS), doanh nghiệp dự kiến doanh thu niên độ 2024 - 2025 đạt 493,4 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 70%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 14,5%, xuống 26,4 tỷ đồng.
Sở dĩ các doanh nghiệp đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng là do dự báo niên độ 2024 - 2025 có những khó khăn, thách thức như kinh tế thế giới còn bất ổn bởi xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực; tình trạng đường nhập lậu tại Việt Nam chưa được kiểm soát triệt để; biến đổi khí hậu (mưa nhiều) ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía nguyên liệu; giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và các loại hóa chất công nghiệp tăng mạnh…
Trong khi đó, thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công thương sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/6/2026.
Quý đầu niên vụ sáng sủa
Ngành mía đường niên vụ 2024 - 2025 dự kiến sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nên ít có doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng.
Lasuco cho biết, trong tháng 9/2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) và số 4 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, nhưng quý I niên độ tài chính 2024 - 2025 (1/7 - 30/9/2024) vẫn được hoàn thành. Với biên lợi nhuận gộp được cải thiện và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm, doanh thu và lợi nhuận quý I niên độ mới của Lasuco cao hơn cùng kỳ. Lasuco sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu kinh doanh quý II cũng như toàn niên độ 2024 - 2025 mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Đường Kon Tum có mức nền so sánh thấp nên doanh thu và lợi nhuận trong quý I niên độ 2024 - 2025 tăng mạnh, lần lượt đạt hơn 57 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng, gấp 4 lần và 10 lần cùng kỳ niên độ trước. Doanh nghiệp này cho hay, diện tích vùng trồng mía niên vụ 2024 - 2025 tăng 8% và việc chú trọng đảm bảo thu nhập của người trồng mía là một trong những yếu tố có thể giúp hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cuối tháng 10 vừa qua, TTC AgriS chia sẻ, Công ty hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030, trong tiến trình xây dựng chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn và hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Danh mục đầu tư sẽ được tái cấu trúc để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là nông nghiệp và FBMC (thực phẩm, đồ uống, sữa , bánh kẹo). Kỳ vọng, mảng đường sẽ đóng góp 60% doanh thu mục tiêu, với sản lượng tiêu thụ năm 2030 đạt gần 1,7 triệu tấn đường, tăng 30% so với niên độ 2023 - 2024; lĩnh vực FBMC đóng góp 40% doanh thu mục tiêu năm 2030, gồm 8% thực phẩm, 28% đồ uống, 2,7% sữa và 1,3% bánh kẹo.
“Chúng tôi đang tập trung dồn toàn lực để đạt được mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng trước thời hạn”, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC AgriS nói tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/10/2024.
Khả năng mở rộng vùng nguyên liệu quy mô lớn, diện tích tập trung và ứng dụng cơ giới hóa sẽ giúp TTC AgriS nâng cao hiệu suất canh tác, tối ưu hóa chi phí canh tác so với các vùng trồng khác.
Trước đó, ngày 10/10/2024, AgriS thông qua nghị quyết đầu tư 40% vốn điều lệ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre nhằm mục đích thực hiện đầu tư danh mục thuộc lĩnh vực định hướng chiến lược của Công ty giai đoạn 2025 - 2030.
Hải Minh