Theo đó, mức giá nhà ở xã hội Công ty TNHH Hòa Bình có thể đưa ra thị trường là 15 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngoại thành và 20-21 triệu đồng/m2 tại khu vực nội thành Hà Nội.
"Vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng ngày càng được cải tiến nên mức giá xây dựng rẻ hơn so với trước đây. Vì vậy, mức giá 15-20 triệu đồng/m2 là doanh nghiệp đã có lãi", ông Đường nói.
Đặc biệt, chia sẻ tại họp báo, ông Đường cho biết, ông đã đề nghị với Tổng Bí thư, Thủ tướng và Quốc hội cho phép doanh nghiệp mỗi năm làm 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Nhà nước không phải bỏ tiền.
Điều kiện là UBND các tỉnh thành phố có quy hoạch những khu đất dành riêng để làm nhà ở xã hội. Ví dụ, TP. Hà Nội quy hoạch 5 khu làm nhà ở xã hội tập trung và các doanh nghiệp sẽ ứng tiền giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, xây dựng nhà ở xã hội.
Sau khi thu được tiền thuế từ người mua nhà và doanh nghiệp cung cấp các loại vật liệu xây dựng, thành phố có thể trả lại tiền giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp theo quy định.
Với phương án tính toán kế hoạch 10 triệu căn nhà ở xã hội với cách làm trên, theo ông Đường, ngân sách Nhà nước sẽ thu được 33.100 tỷ đồng mà không phải bỏ kinh phí ra.
"Khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội không có gì khó. Nhu cầu đối với sản phẩm mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 rất nhiều nên sản phẩm làm ra dễ được hấp thụ. Khi thị trường đã có nhà ở xã hội giá phù hợp, giá nhà ở thương mại đương nhiên phải giảm", ông Đường nhấn mạnh.
Chi phí làm nhà ở xã hội theo dự tính của ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình
Lấy ví dụ, tại Singapore, dù là đảo quốc với diện tích khiêm tốn, nhưng hiện nay, 100% người dân tại đây đều có nhà ở. Trong đó, 85% người dân ở trong các dự án nhà ở xã hội, mức giá chỉ bằng 1/3 thương mại.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có khoảng 22,5 triệu người có nhu cầu mua nhà ở. Phần lớn trong số đó có thu nhập trung bình và trung bình thấp, chỉ đủ năng lực mua các dòng nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội đang rất hiếm nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Vì vậy, ông Đường cho rằng, không chỉ Công ty TNHH Hòa Bình, mà nhiều doanh nghiệp khác rất mong muốn đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Thậm chí, Công ty TNHH Hòa Bình có thể sẵn sàng tự ứng tiền trước để thực hiện các dự án này.
“Tôi đã rất nhiều lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền cho phép chúng tôi mỗi năm làm 1 triệu căn nhà ở xã hội mà nhà nước không cần phải bỏ tiền trước”, ông Đường nói và nhấn mạnh thêm, với tình trạng giá nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ đang tăng phi mã như hiện nay, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội chính là giải pháp tốt để ghìm cương giá nhà.
Kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã có Nghị quyết tạo thêm quỹ đất để doanh nghiệp làm nhà ở thương mại, nhưng lại không có Nghị quyết tạo quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xây dựng nói chung và Công ty TNHH Hòa Bình nói riêng đề nghị Nhà nước ưu tiên phát triển loại hình nhà ở này.
Công ty TNHH Hòa Bình hiện đang trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội trên 2 khu đất vàng tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Đây là hai dự án nhà ở xã hội được người lao động trông chờ, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho quỹ nhà ở xã hội hơn 2.000 căn hộ chất lượng cao, tiện ích đồng bộ. Dự án này nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND thành phố phê duyệt.
Việt Dương